“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).
“Bim…..bim….bim…”
Ba gác í ới gọi ông bạn cửa già của mình vào mỗi buổi sáng bằng tiếng bim bim quen thuộc. Như thường lệ dưới cánh tay trợ thủ đắc lực của ông chủ, ông bạn cửa sắt già mới ì ạch rên những tiếng ken két ớn lạnh người từ từ hé mở mắt ra. Nhìn từng giọt mồ hôi ông chủ rơi xuống, cửa sắt thều thào:
- Bác thông cảm, tôi cũng muốn phục vụ cách tốt nhất, nhưng sức tàn lực kiệt tôi chỉ có thể làm tới đó thôi.
Ông bạn ba gác gật gù đồng tình:
- Tôi có kém gì ông bạn đâu. Mỗi ngày nhìn ông chủ lấy hết sức lực để tôi có thể vận hành được mà chẳng ăn thua gì tôi cũng cảm thấy có lỗi lắm.
Cả hai nhìn nhau bằng ánh mắt cảm thông, Ba gác nhìn xa xa:
- Chúng ta ở với ông chủ cũng dễ đến cả mấy chục năm rồi ấy nhỉ?
Câu chuyện còn đang dở dang thì cả hai giật mình bởi tiếng lảnh lót của bà chủ:
- Lại không nổ máy nữa sao?
Ông chủ gật đầu:
- Chắc tối qua trời mưa nên lạnh máy.
Bà chủ thủng thẳng:
- Ông thì hôm nào cũng chắc với lép, cứ tìm đủ lý do để giữ lại cái đã quá cũ làm gì?
- Nó gắn bó với chúng ta cả mấy chục năm rồi còn, tất cả những gì hôm nay chúng ta có đều nhờ sự trợ giúp đắc lực của nó đấy.
Ông chủ buồn buồn đáp lại lời bà chủ, bà định đáp lại điều gì đó nhưng thôi, vừa lúc đó ông bạn nhà bên cạnh với sang:
- Xe lại không lên hả ông?
Ông chủ gật đầu, ông bạn tiếp tục:
- Sao ông không đưa nó đi bảo trì đi nhỉ? Bắt nó làm việc suốt ngày như vậy nó cũng mệt đấy, đưa nó đến “Bác sĩ” của nó đi đảm bảo ngày mai ông không tốn sức nhiều đâu. Lâu lâu cho nó nghỉ dưỡng một ngày, ông cũng phải vậy nữa.
Ông chủ gật gù:
- Ừ nhỉ, cả mấy chục năm rồi tôi cứ bắt nó chạy…chạy…để phục vụ gia đình tôi mà không cho nó nghỉ dưỡng. Cũng may mà nó tốt với mình chứ cứ hỏng lên hỏng xuống chắc cũng mệt.
Ông bạn hàng xóm vui vẻ:
- Ông suy nghĩ đúng rồi đấy, còn cái cửa sắt nhà ông nữa, ông cho nó chút nhớt đi đảm bảo với ông chỉ một tay đẩy nhẹ là nó mở ra, không còn nghe tiếng kêu rợn cả người nữa đâu. Cái gì nó cũng cần một chút năng lượng để phục vụ tốt hơn đấy.
Hai ông bạn già ba gác và cửa sắt mỉm cười nhìn nhau, vì qua sự trợ giúp của người hàng xóm chúng biết rằng qua sự “bảo trì” nho nhỏ chúng sẽ có thể phục vụ cách tốt hơn cho ông chủ và cho cuộc sống.
Câu chuyện của ba gác và khung cửa sắt cũng là câu chuyện của mỗi chúng ta – những người đang sống trong xã hội hiện đại và phát triển của ngày hôm nay: công việc…..công việc….và công việc…..từ sáng sớm cho tới lúc đêm về chúng ta cứ mải chạy đua với guồng máy thời gian. Cơm, áo, gạo, tiền….đã trở nên như một ông chủ quyền lực không cho phép ta dừng lại để “lười biếng”. Chính áp lực đó đã tạo nên một bầu khí căng thẳng mà khi bước ra đường chúng ta chỉ thấy được những con người vội vã và vội vã. Ai cũng muốn tranh thủ để tiến lên phía trước người khác dù đèn giao thông đã lên tín hiệu màu vàng chỉ còn vài giây nữa là nó chuyển sang màu đỏ. Chúng ta cứ chạy và tưởng rằng thời gian, sức khỏe là vô tận. Chỉ đến một lúc nào đó khi mở mắt ra chúng ta thấy mình đang nằm trong một nơi nào đó được chăm sóc đặc biệt bởi những “thiên thần áo trắng” chúng ta mới à ra: “Tôi cần được ‘bảo trì’” thì giờ đây đã quá muộn đối với một đời người.
Như một người cha với trái tim nhân lành, Chúa Giêsu hằng ngày vẫn mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Ngài mời gọi mỗi chúng ta hãy quẳng đi những lo âu cuộc sống, hãy đến tựa nép bên trái tim Ngài để được Ngài chăm sóc, ủi an. Đã nói đến cuộc sống thì vẫn phải lao động để sinh tồn, nhưng nếu không có một điểm dừng, không có phút nghỉ ngơi, chúng ta sẽ tự biến mình thành những cỗ máy, mà cỗ máy cũng phải được “bảo trì” theo thời gian đó thôi.
Lời mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28) như một thông điệp yêu thương đặc biệt Chúa Giêsu dành cho tất cả mỗi người chúng ta trong tháng 6 – tháng kính Thánh Tâm Chúa. Vậy còn đợi chờ gì nữa, cả bạn và tôi, tất cả chúng ta hãy đến với trái tim nhân lành của Ngài để được Ngài nâng đỡ ủi an, để được Ngài “Bảo trì”, rồi từ đó chúng ta được tiếp thêm năng lượng để tiếp tục ra đi đem tình yêu thương và sự bình an của Ngài đến với mọi nơi chúng ta làm việc, mọi người chúng ta gặp gỡ.
Sr. Maria Bùi An (HVTVK)