Sports

header ads

(1 V19,9a.11-13a; Rm 9,1-5; Mt 14,22-33) 

Anh chị em thân mến,


Tại sao chúng ta đi đạo? Thưa, chúng ta đi đạo vì chúng ta muốn được cứu độ. Vậy đâu là con đường, là lý tưởng chúng ta phải đi để đạt được ơn cứu độ hay hạnh phúc đích thực, tròn đầy và viên mãn cho thân phận kiếp người của chúng ta? Chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng Đức Giêsu chính là con đường, là lý tưởng chúng phải đi để đạt tới ơn cứu độ. Nói cách khác, Đức Giêsu là mẫu mực duy nhất và tuyệt đối cho mọi tín hữu bước theo để đạt tới hạnh phúc viên mãn tràn đầy hay nói như Mẹ Têrêxa Calcutta “Chúa Giêsu là Thiên Chúa của tôi, là bạn, là cuộc sống, là tình yêu duy nhất và là tất cả của tôi.” Vậy Đức Giêsu đã thể hiện mẫu mực ấy như thế nào, được ghi lại ở đâu? Thưa, chúng ta có thể nói được rằng chính Lời Chúa hôm nay đã giới thiệu phần nào những khía cạnh nổi bật trong cuộc đời của Ngài để mỗi chúng ta có thể bắt chước cho cuộc đời của mình.

Trước hết, Đức Giêsu làm mẫu mực cho chúng ta qua cuộc đời phục vụ, đặc biệt nơi cuộc đời công khai thi hành sứ mạng. Chẳng lúc nào có cơ hội mà Ngài đã không rao giảng, chữa lành, và thậm chí hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Chẳng có ai đến với Đức Giêsu bằng lòng tin tưởng, yêu mến, khiêm nhường và phó thác mà không nhận được bất cứ ân huệ nào. Thật vậy, bệnh nhân đến với Ngài thì được chữa lành, tội nhân đến với Ngài thì được tha thứ, người khao khát chân lý đến với Ngài thì được nghe loan báo Tin Mừng, người đau khổ thì được ủi an nâng đỡ, và người đói khát thì được ăn uống no nê. Điều này chúng ta gặp được trong bài Tin Mừng tuần trước. Khi thấy dân chúng đông đảo đến với mình, Đức Giêsu chạnh lòng thương, giảng dạy họ nhiều điều. Khi chiều tới, dân chúng ở nơi hoang vắng không bánh ăn, các môn đệ chỉ có 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, Ngài đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi họ. Cho tới khi dân chúng được no nê thỏa thuê, Ngài mới giải tán để họ ra về bình an. Là những môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta không thể đi ra ngoài lối sống của Ngài, nghĩa là chúng ta cũng phải nói về Chúa cho người khác khi có cơ hội, đem an ủi đến cho người đau khổ, chia sẻ vật chất và tinh thần cho người nghèo khó để anh chị em xung quanh chúng ta có thể lạc quan vui sống trong cuộc đời đầy gian nan thử thách này.

Thứ đến, Ngài làm mẫu mực cho chúng ta qua cuộc sống gắn bó với Chúa Cha. Tin Mừng hôm nay kể rằng sau khi chăm lo cho đám đông dân chúng, Ngài giải tán họ để ai nấy về nhà mình. Ngài giải tán dân chúng không phải để có thời gian nghỉ ngơi, rảnh rỗi cho riêng mình mà để có thời gian riêng tư ở lại với Chúa Cha “Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện.” Đối với Đức Giêsu, cầu nguyện quan trọng biết bao. Nhờ cầu nguyện, Ngài gặp gỡ Chúa Cha, bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình, lắng nghe tiếng nói của Chúa Cha, tìm ra thánh ý của Người, và nhất là múc lấy được nguồn sinh lực mới để tiếp tục sứ mạng một cách có hiệu quả. Cuộc đời của mỗi tín hữu cũng vậy. Nếu không cầu nguyện, chúng ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa như tiên tri Êlia đã không gặp được Thiên Chúa trong gió bão, động đất, lửa cháy, nhưng gặp được Thiên Chúa trong tiếng gió hiu hiu thổi và chính Đức Giêsu cũng đã gặp gỡ Chúa Cha trong thinh lặng cầu nguyện. Cầu nguyện cần thiết biết bao cho đời sống đức tin của người tín hữu. Mẹ Têrêxa Calcutta bảo rằng “Lời cầu nguyện sẽ giúp mở rộng trái tim cho đến khi nó có thể chứa trọn món quà của Chúa, đó là bản thân Ngài. Hãy không ngừng tìm kiếm, rồi trái tim của bạn sẽ đủ lớn để đón lấy Thiên Chúa và giữa Ngài như của riêng mình.” Dó đó, nếu muốn thực sự làm con cái Chúa và làm môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta phải tìm cho mình những khoảng thời gian và không gian riêng tư để cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa. Chỉ khi nào làm được như thế, chúng ta mới tìm ra thánh ý Chúa, múc lấy nguồn nghị lực để trung tín sống ơn gọi và thực thi sứ mạng.

Cuối cùng, sau khi đã gặp gỡ, ở lại, lắng nghe và tìm ra thánh ý Chúa Cha, Đức Giêsu trở lại với các môn đệ, với con người để trao ban cho họ những gì quan trọng và ý nghĩa nhất. Quả vậy, đoạn Tin Mừng hôm nay nói rằng “vào khoảng canh tư đêm ấy, khi thuyền của các môn đệ đã ra xa bờ cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió, Đức Giêsu đã đi trên mặt biển mà đến với các ông.” Ngài đến để trấn tĩnh và ban bình an cho các ông “Cứ an tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Lúc Phêrô bước đi trên mặt biển, sắp chìm và la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”, thì Đức Giêsu đã đưa tay ra nắm lấy ông và trách cứ nhẹ nhàng: “Hỡi kẻ kém lòng tin! Sao lại nghi ngờ?” Không dừng lại ở việc cho Phêrô lên thuyền bình an, Ngài còn làm cho sóng yên biển lặng và thuyền tới bến an toàn. Cuộc đời của Đức Giêsu vẫn là thế. Ngài đến với các môn đệ, đến với con người để đem bình an, sự nâng đỡ, chữa lành và sự giải thoát cả thể xác lẫn tâm linh. Là những người đi theo Đức Giêsu, sau khi gặp gỡ Chúa, chúng ta cũng có bổn phận ở giữa anh em mình như Ngài để chia vui sẻ buồn, để động viên khích lệ, để an ủi và trấn an họ hãy vững tâm, hãy can đảm vì Đức Giêsu luôn hiện diện và chính chúng ta cũng đang ở đây và cùng đi với họ trong cuộc đời đầy thử thách và gian nan này.

Anh chị em thân mến,

Đức Giêsu là mẫu mực cho cuộc đời của mỗi tín hữu chúng ta. Ngài vừa liên đới sâu sắc với con người vừa gắn bó chặt chẽ với Thiên Chúa. Ngài ở giữa nhân loại để dạy dỗ, an ủi, chữa lành, tha thứ và chăm lo cho con người từ vật chất tới tinh thần. Ngài ở lại với Thiên Chúa trong những lúc thanh vắng để tìm kiếm thánh ý Chúa Cha và múc lấy nguồn sức mạnh cho cuộc đời sứ mạng. Là môn đệ của Ngài, chúng ta cũng được mời gọi liên đới với anh em và kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa. Thử hỏi tôi đã sống với anh em thế nào? Có liên đới với anh em trong mọi nỗi vui buồn, thành công và thất bại của họ không? Tôi đã sẵn sàng cảm thông, tha thứ và chia sẻ chưa? Tôi có dành thời gian ở lại với Chúa qua cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa, tìm kiếm thánh ý Ngài và múc lấy nguồn sinh lực từ Ngài không? Sau khi đã gặp Chúa, tôi có nhanh chóng giải thoát anh chị em tôi khỏi buồn rầu, sợ hãi, chán nản và thất vọng không? Nguyện xin Chúa ban thật nhiều ơn thánh để chúng ta có thể sống được như Đức Giêsu là luôn gắn bó chặt chẽ với Chúa và liên đới với tha nhân. Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

Mới hơn Cũ hơn

*