“Có điều gì bạn có mà không do nhận lãnh chăng? Nếu bạn đã nhận lãnh, thì sao còn khoe khoang như chưa từng nhận lãnh? “(1Cr 4, 7)
Một buổi sáng mùa hè đẹp trời, Sồi già nhẹ nhàng chuyển mình vươn cao đôi cánh tay lực lưỡng để đón ánh nắng mặt trời sau một đêm dài nghỉ ngơi. Bỗng Sồi già giật mình vì hình như có cái gì đó đang thản nhiên đu đeo trên thân mình, Sồi già lên tiếng:
- Ai đó?
Có tiếng khe khẽ vọng lại:
- Là em, là em….rất xin lỗi bác Sồi vĩ đại vì tối hôm qua đến trú ngụ ở nhà bác mà chưa có phép.
Sồi già đằng hắng:
- Cô là ai? Nhà cửa ở đâu mà sao lại lang thang giữa đêm tối như vậy?
Tầm gửi thút thít:
- Em vốn thuộc dòng họ nhà tầm gửi, mọi người vẫn gọi em là tầm gửi. Cuộc sống của em đang bình yên nơi nhà bác Mít thì bỗng tối hôm qua chị gió đến lay mạnh đưa em đi lang thang, rồi cuối cùng em lạc tới đây.
Sồi già xót xa:
- Tội nghiệp, thế mọi người trong nhà cô tối qua đều bị vậy sao?
Tầm gửi xua tay:
- Mọi người đều dang tay ôm chặt vào bác Mít, có mỗi em là…mải chơi nên không kịp bám vào bác Mít…..với lại bác ấy cũng già cỗi quá rồi không còn đủ sức giữ em lại nữa.
Sồi già cảm thông:
- Thôi, cô cứ ở tạm đây rồi khi nào ổn định thì tìm về gia đình cũng được.
Tầm gửi cảm động lắm, cám ơn bác Sồi già rối rít rồi hít một hơi dài chuẩn bị cho cuộc sống mới.
Từ ngày ở với Sồi già, tầm gửi phổng phao hẳn ra, ỷ lại vào sự chăm chỉ của Bác Sồi, tầm gửi ngày ngày rong chơi, tranh thủ làm đẹp và vươn mình xum xuê trên thân hình già nua, gân guốc của bác Sồi. Tầm gửi không hay biết rằng cái thân già kia đang ngày mai một đi phần lớn là do mình, nên đôi lúc nghe Sồi già nhắc nhở cần phải làm việc để có cuộc sống tự lập,Tầm gửi lại cho là Sồi già khó tính so đo với kẻ yếu ớt nên cô tỏ ra thật bất bình, thậm chí còn có những lời không hay đối đáp lại bác Sồi. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, Tầm gửi không những đã quên mất mình là người ở nhờ trên thân mình bác Sồi già, mà cô còn xem bác như một kẻ có bổn phận phải phục vụ cho cuộc sống của mình. Mọi người xung quanh ai nhìn cô cũng lắc đầu ngán ngẩm, chỉ riêng cô ngày ngày vẫn vô tư với những thú vui của mình.
Bạn thân mến,
Có bao giờ bạn dành một khoảng thời gian lặng để nhìn lại cuộc sống của mình chưa? Có bao giờ bạn tạ ơn vì tất cả những hồng ân mà bạn đã được lãnh nhận từ khi có mặt trong cuộc đời này chưa? Có bao giờ bạn tạ ơn Đấng đã cho bạn có mặt trong cuộc đời này? Có bao giờ bạn tạ ơn những người đã sinh thành, dưỡng dục bạn để bạn được trưởng thành như bạn là bạn ngày hôm nay chưa??? Hay chúng ta đã vô tình trở nên giống như Tầm gửi?
Thánh Phaolo đã nói rất chí lí: “Có điều gì bạn có mà không do nhận lãnh chăng? Nếu bạn đã nhận lãnh, thì sao còn khoe khoang như chưa từng nhận lãnh?” (1Cr 4,7). Phải, chúng ta cần xác tín với nhau rằng tất cả những gì chúng ta có đều do chúng ta được nhận lãnh, nếu không ta cứ thử nhìn lại toàn bộ những gì chúng ta đang sở hữu là chúng ta sẽ có ngay câu trả lời: Thân thể này chúng ta vẫn tự hào là nó cường tráng ư? Nếu không được bố mẹ tác thành qua tình yêu thì sẽ có được nó chăng? Chúng ta tự hào rằng mình uyên bác, học giỏi ư? Nếu không có những người Thầy cầm bàn tay run run của chúng ta nắn từng nét chữ từ khi chúng ta chập chững bước vào trường thì liệu chúng ta có được điều đó không? Chúng ta nói: cơm gạo ta ăn là do đồng tiền chúng ta làm ra mới có để mua nó, vậy nếu không có những người nông dân một sương hai nắng vất vả để trồng trọt cấy hái thì liệu có cả đống tiền chúng ta có gạo để mua chăng?…….Nếu kể ra đây tất cả những gì chúng ta đã, đang và sẽ nhận lãnh thì tôi tin có dùng hết giấy mực của cả thế giới này cũng không sao kể hết được. Sống trên đời này chúng ta “nợ” lẫn nhau, hay nói cách khác chúng ta liên đới với nhau, chúng ta sống là sống với nhau, cho nhau và vì nhau. Chính vì vậy, mỗi chúng ta hãy sống với tâm tình biết ơn để rồi cùng nhau xây dựng cuộc sống này trong từng lãnh vực riêng của mình, hãy cùng nắm tay nhau để đi tới chứ đừng như Tầm gửi bạn nhé!
Sr. Maria Bùi An (HVTVK)