Khi công bố Năm Đức Tin, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết: “Cánh cửa đức tin vẫn luôn mở rộng cho chúng ta… Chúng ta có thể bước qua ngưỡng cửa đó khi Lời Chúa được loan báo và để cho ơn biến đổi uốn nắn tâm hồn” (Tông thư dưới dạng Tự sắc Cánh Cửa Đức Tin, số 1).
Bạn hãy suy nghĩ về những lời đầy khích lệ biết bao! Chúng ta luôn luôn mở các cánh cửa. Một số cánh cửa dễ mở ra như cánh cửa nhà hay cánh cửa của một cửa tiệm yêu thích của chúng ta. Nhưng có những cánh cửa khác thì khó khăn hơn nhiều. Chẳng hạn, cần thời gian, kiên nhẫn và nỗ lực để vượt qua cánh cửa dẫn tới một công việc mới hoặc một ơn gọi mới như hôn nhân, ơn gọi linh mục, hay đời sống tu trì. Hơn thế nữa, không phải lúc nào bạn cũng có thể đoán trước được điều gì đang chờ đợi bạn ở phía bên kia những cánh cửa này.
Theo một nghĩa nào đó, việc mở cánh cửa đức tin có thể vừa rất đơn giản vừa rất khó dự đoán. Đơn giản như việc nói lời “xin vâng” với Chúa, nhưng đồng thời, có thể chúng ta sẽ rất ngạc nhiên bởi con đường mà lời xin vâng này đặt chúng ta trên đó. Cứ hỏi các nhà truyền giáo, các tông đồ, các vị tử đạo và nhiều vị thánh khác trong lịch sử của chúng ta!
Nhưng cho dù có những bất ngờ nào chờ đợi chúng ta khi chúng ta bước qua cánh cửa đức tin, chúng ta có thể tin tưởng vào một điều: Chúa Giêsu đang ở đó, sẵn sàng chào đón chúng ta. Và thậm chí còn tuyệt vời hơn nữa, Người đi cùng chúng ta mỗi bước chúng ta đi trên con đường đức tin.
Lòng Tin của Con đã Cứu Chữa Con.
Chúa Giêsu chào đón bốn con người đặc biệt đã bước qua cánh cửa đó. Người nói rằng: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”. Những người này bao gồm anh mù có tên là Batimê (Mc 10,52), người đàn bà đang ở trong tình trạng sức khỏe nghiêm trọng (Mc 5,34), người Samaria đã được chữa khỏi bệnh phong hủi (Lc 17,19), và người phụ nữ có một quá khứ tội lỗi (Lc 7,50). Có lẽ những câu chuyện của họ sẽ giúp chúng ta khi chúng ta bước qua những cánh cửa đức tin của chúng ta mỗi ngày!
Một trong những điều đầu tiên mà chúng ta có thể nhìn thấy trong mỗi câu chuyện này là cách Chúa Giêsu lựa chọn những người này và ca ngợi niềm tin và sự tín thác của họ – thường thì trái ngược với những người xung quanh Người dường như không biểu hiện cùng một niềm tin như thế. Dường như loại niềm tin thu hút sự chú ý của Chúa Giêsu là loại niềm tin khiến cho nhiều người tìm đến Người. Nó thúc đẩy mọi người ra khỏi con đường của họ và có lẽ thậm chí gây tranh cãi.
Những người có loại niềm tin này có thể trước hết đang tìm kiếm một sự chữa lành cụ thể, nhưng có một điều khác nữa xảy ra với họ trên đường đi. Tâm hồn của họ được chữa lành, chứ không chỉ thân xác của họ. Ký ức của họ được chữa lành, chứ không chỉ cảm thức tội lỗi của họ về những tội lỗi trong quá khứ. Vì thế khi bạn nhìn vào mỗi một câu chuyện này, bạn hãy tự hỏi: “Lòng tin của tôi có thúc đẩy tôi tìm đến Chúa Giêsu không? Tôi nhận ra điều gì khi tôi tìm đến theo cách thức mà những người này đã thực hiện?”
Anh mù Batimê (Mc 10,46-52)
Sự mù lòa ngày nay gần như không phải là thảm họa như thời Chúa Giêsu. Những người mù lòa nhận thấy khó có thể làm việc và kiếm sống. Trừ khi họ có gia đình chăm sóc họ, còn không thì họ buộc phải cầu xin bất cứ sự giúp đỡ nào từ người khác. Đây chính xác là nơi chúng ta nhận ra anh mù Batimê: ngồi ăn xin bên vệ đường khi Chúa Giêsu cùng với các môn đệ đi ngang qua.
Khi Batimê nhận ra rằng tiếng ồn phát xuất từ Chúa Giêsu và đám người khá đông bước theo Người, anh bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đa Vít, xin rủ lòng thương tôi”. Thấy đó chỉ là một người ăn xin, nhiều người trong đám đông cố bắt anh im đi. Nhưng điều đó chỉ khiến cho anh kiên quyết hơn. Và rồi sự kiên quyết của anh có tác dụng! Chúa Giêsu dừng lại, gọi anh mù Batimê đến với Người, và hỏi điều mà anh muốn. Anh nói: “Thưa Thầy, tôi muốn nhìn thấy được.” Đó là lúc Chúa Giêsu nói những lời quan trọng: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh.”
Sự tương phản giữa anh Batimê và đám đông thật đáng chú ý. Anh Batimê không bị từ chối. Anh tin. Anh kêu lên. Anh kiên định. Anh thưa với Chúa Giêsu chính xác điều anh cần. Chính vì thế, anh đã được thưởng công. Đức tin đã mang lại cho anh ơn cứu độ và sự chữa lành mà anh cần.
Người Đàn Bà bị Băng Huyết (Mc 5,25-34)
Trong suốt mười hai năm, người đàn bà này đã chịu đựng căn bệnh chảy máu và không ai có thể giúp bà. Nhưng khi bà nghe nói Chúa Giêsu đang đi ngang qua làng của mình, bà đã tìm đến với Người. Bà nghĩ rằng: “Nếu tôi có thể sờ vào áo của Người thôi, là sẽ được cứu”. Vì thế, bà đã cố chen lấn trong đám đông và chạm vào áo choàng của Người – và ngay lập tức bà đã được khỏi bệnh!
Thấy có một năng lực nơi mình phát ra, Chúa Giêsu ngó quanh và hỏi rằng: “Ai đã sờ vào áo tôi?” Người đàn bà đã tiến tới và nói với Chúa Giêsu những gì đã xảy ra, và Chúa Giêsu nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”.
Hãy nghĩ về sự khác biệt giữa người đàn bà này với những người ắt hẳn cũng đã chen lấn Chúa Giêsu khi họ đi trên đường. Về mặt thể lý, những người này cũng gần với Người như người đàn bà. Thế nhưng, sự gần gũi về mặt thể lý không tương tự với sự gần gũi với Chúa trong đức tin. Nhờ vào đức tin, chúng ta có thể kết nối với ân huệ tuôn chảy từ Chúa Giêsu – ân huệ mang lại sức mạnh, sự chữa lành và nhân đức. Giống như anh Batimê, người đàn bà sẽ nói với chúng ta rằng tìm đến với Chúa Giêsu, tin tưởng rằng Chúa Giêsu có sức mạnh mà chúng ta cần.
Người Phụ Nữ “Tội Lỗi”
Ông Simon, một người Pharisêu, đã mời Chúa Giêsu ăn tối với một số người bạn của ông. Mọi sự dường như đang diễn tiến tốt đẹp cho đến khi một người phụ nữ có tiếng xấu tham dự bữa tối dù chị không được mời. Chị đứng phía sau Chúa Giêsu, nước mắt chị rơi xuống chân Người. Rồi chị cúi xuống, lấy tóc mình mà lau chân Người và chị dùng dầu thơm hảo hạng để xức chân Người.
Những cử chỉ này đánh động Chúa Giêsu và ông Simon cách sâu sắc. Đối với Simon, ông khinh thường Chúa Giêsu, ông tự hỏi làm thế nào một ngôn sứ lại cho phép một người đàn bà như thế đụng chạm vào mình. Nhưng Chúa Giêsu, khi nhìn thấy tình yêu và lòng biết ơn ẩn sau những hành động của người đàn bà này, đã bảo chị rằng: “Lòng tin của chị đã cứu chị”.
Sự tương phản giữa người đàn bà tội lỗi và ông Simon thật nổi bật. Ông Simon muốn nói chuyện với Chúa Giêsu. Có lẽ, ông muốn biết Người và hiểu giáo huấn của Người cách rõ ràng hơn. Nhưng đến cuối buổi tối hôm ấy, những sự nghi ngờ của ông vẫn còn đó hoặc thậm chí đã tăng lên.
Nhưng người phụ nữ đã không đến để nói chuyện. Chị bước vào một căn nhà nơi chị biết rằng chị không được đón tiếp bởi vì chị đã quá xúc động bởi lòng xót thương của Chúa Giêsu nên chị chỉ cần phải ở với Người. Nếu chị có mặt ở đây hôm nay, chị sẽ nói với chúng ta rằng: “Hãy đến với Chúa Giêsu và xưng thú tội lỗi của mình. Ngài giàu lòng thương xót. Tôi là chứng nhân. Không có tội lỗi nào mà không được tha thứ.”
Người Samaria bị Phong Hủi (Lc 17,11-19)
Cách nào đó thì đây là một câu chuyện khác với những câu chuyện vừa kể. Trong câu chuyện này, mười người phong hủi đã được chữa lành và cả mười người đều đã làm theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu là đi trình diện với một vị tư tế theo Luật Môsê. Tất cả mười người này đều được đón tiếp hòa nhập trở lại với xã hội, và phần lớn trong số họ có lẽ đã trở về với gia đình của họ và tiếp tục lại cuộc sống trước đây của họ. Thế nhưng chỉ có một người trong số họ đã quay trở lại để ngợi khen và tạ ơn Chúa Giêsu vì đã chữa lành cho anh – anh ta lại là một người Samaria!
Dường như là anh bạn này, người ngoại này, là người duy nhất mà Chúa Giêsu đã nói tới: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Một cách rõ ràng rằng anh đã cảm nghiệm được một điều gì đó còn hơn cả một sự chữa lành về mặt thể lý.
Câu chuyện này nói với chúng ta rằng việc “được chữa lành” không có nghĩa luôn luôn là “trọn vẹn.” Người Samaria này đã cảm nghiệm được cả hai, và đó là lý do tại sao anh trở lại gặp Chúa Giêsu. Nếu anh ta ở với chúng ta ngày hôm nay, anh ta sẽ nói với chúng ta rằng: “Sự chữa lành thể lý thật tốt, nhưng sự chữa lành thiêng liêng còn tốt hơn”.
Sự Can Đảm của Trẻ Con
Tất cả bốn người này đã bước qua cánh cửa đức tin và tất cả đều được thưởng công. Một cách tương tự, Chúa Giêsu muốn khuyến khích chúng ta bước qua cánh cửa này và tin tưởng. Không quan trọng chúng ta có nhiều hay ít niềm tin, Người đang mời gọi chúng ta hãy can đảm như bốn người này khi chúng ta thực hiện bước tiếp theo. Có lẽ đó là lý do tại sao Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta hãy đến với Người như trẻ em. Trẻ em có thể hoàn toàn can đảm – và kiên trì – với cha mẹ các em. Các em không gặp vấn đề gì khi xin (hỏi), xin (hỏi) và xin (hỏi). Các em tận dụng mọi cơ hội khả dĩ để có được điều các em muốn. Khi cha mẹ nói “không,” các em thấy rằng nó chẳng khác gì là một sự lùi bước tạm thời. Và các em tiếp tục xin (hỏi).
Vì thế, hãy nên giống như trẻ em. Hãy kiên trì. Hãy can đảm. Đừng sợ khi cầu xin Chúa Giêsu về mọi điều.
Hãy như anh Batimê và hãy kêu lên với Chúa Giêsu.
Hãy như người đàn bà bị băng huyết và hãy tìm đến với Chúa Giêsu.
Hãy như người phụ nữ “tội lỗi” và hãy thưa với Chúa Giêsu rằng bạn yêu mến Người nhiều biết chừng nào và bạn biết ơn Người thế nào vì tình yêu và lòng thương xót của Người.
Hãy như người phong hủi Samaria, và hãy quỳ dưới chân Người mà thờ lạy và tôn thờ.
Nếu bạn làm như thế, bạn sẽ nghe Chúa Giêsu đang nói với bạn những lời tốt đẹp này: “Lòng tin của con đã cứu chữa con!”
Theo the Word Among us – Personal Spirituality Resources
Nguồn: https: https://wau.org/resources/article/re_open_the_door/
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương