Sports

header ads
Ngày 30 tháng 07 năm 2020
Thứ Năm, sau Chúa Nhật XVII Thường Niên


(Mt 13,47-53)

“Người ta nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài” (Mt 13,48).

Để nói về Nước Trời, Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều dụ ngôn. Sở dĩ Ngài dùng nhiều dụ ngôn vì mỗi dụ ngôn chỉ có thể chuyển tải một vài đặc tính nào đó của Nước Trời mà thôi. Nước Trời là  một thực tại quá phong phú, đa dạng. Nước Trời là một màu nhiệm, không sao mô tả đầy đủ được trong một hay hai dụ ngôn. Vậy, cụ thể, dụ ngôn về chuyện chiếc lưới nói gì về Nước Trời?

Dụ ngôn này gồm hai phần. Phần đầu (Mt 13,47-48) là phần chính của dụ ngôn. Đây là lời dạy nguyên thủy của Chúa Giêsu về Nước Trời. Phần tiếp theo của dụ ngôn, cách riêng các câu 49 và 50, là cách hiểu của Giáo hội sơ khai về dụ ngôn nhưng được ghép vào dụ ngôn và coi đó như là lời giải thích của chính Chúa Giêsu về dụ ngôn.

Trước hết, Nước Trời được sánh ví như “chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài” (Mt 13,47-48). 

Ý nghĩa của dụ ngôn này là gì? Làm sao tìm ra ý nghĩa của nó hay đâu là dấu hiệu để đọc được ý nghĩa của nó? Theo cha Nil Guillemette, SJ, chìa khóa để tìm ra ý nghĩa của dụ ngôn là hãy để ý đến những từ, những ý tưởng cho thấy sự bất thường, sự thái quá của nó. Với dụ ngôn này, điều bất thường hay thái quá là ở chỗ: “đủ thứ cá”, “khi lưới đầy”. Trong thực tế, làm sao có thể gom được đủ thứ cá. Chỉ có thể gom được một số loại cá thôi! Cũng vậy, như trong thực tế, người kéo lưới sẽ kéo một thời gian, khoảng nửa tiếng hay một vài tiếng hay khi cảm thấy có một số cá trong lưới rồi thì kéo lên bãi, không ai đợi mãi đến khi lưới phải đầy rồi mới kéo lên bãi cả. Tự hỏi, nếu kéo lưới từ tối đến sáng mà lưới vẫn chưa đầy thì vẫn chưa kéo lưới lên bờ sao?  

Thật vậy, cái bất thường và thái quá này là không thể trong thực tế hằng ngày đối với ngư phủ kéo lưới nhưng lại là có thể, là rất thật đối với Thiên Chúa. Khi Nước Trời đến, Thiên Chúa sẽ gom, sẽ qui tụ hết mọi người, mọi dân nước trên trần gian này lại với Người, không sót một ai. Không ai ở ngoài sự qui tụ của Ngài cả. Không ai nằm ngoài lưới vét của Ngài cả.

Rồi, cái bất thường và không thể trong thực tế khi người ta kéo lưới, ngư phủ không đợi đến khi lưới đầy mới kéo lên bãi nhưng lại là rất thật đối với Thiên Chúa trong ngày cánh chung. Để chuẩn bị cho ngày qui tụ chung cuộc đó, người ta biết rằng sẽ có một cuộc tẩy rửa lớn lao... Bởi vậy, người ta chờ đợi xem Đức Giêsu sẽ bắt đầu cuộc thanh tẩy ấy như thế nào. Đó có phải là một cuộc thanh tẩy nhắm luận phạt kẻ có tội, qui tụ những người công chính lại ngay bây giờ thánh Gioan tẩy giả đã tiên báo chăng?

Không hay đúng hơn là chưa! Thực tế cho thấy sứ vụ Chúa Giêsu chẳng tương xứng chút nào với sự mong đợi này. Ngài có vẻ cứ từ từ, không gấp gáp. Sự vụ của Ngài liên quan đế những người tội lỗi mà Thiên Chúa muốn cho họ được cứu độ. Ngài nhân từ, độ lượng với đám tội nhân. Ngài kiên nhẫn đợi chờ họ hoán cải, trở về với Chúa. Nói cách khác, thời điểm tách biệt kẻ xấu xa ra khỏi hàng ngũ những người công chính xem ra hãy còn chưa tới. Nhưng sẽ tới. Đó là lí do tại sao phải kiên nhẫn, phải đợi cho đến khi “lưới đầy.” Lúc ấy, “người ta kéo lưới lên bãi, rồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.” Như vậy, trong dụ ngôn này, Đức Giêsu có ý cắt nghĩa tình trạng hiện hành là việc trà trộn người tốt với kẻ xấu.

Còn phần giải thích dụ ngôn cho thấy rõ ràng có một sự chuyển hướng tầm nhìn. Lời giải thích dụ ngôn nhấn mạnh đến sự trừng phạt sẽ giáng xuống những kẻ có tội vào ngày tận thế, vào giờ sẽ thực hiện sự lựa chọn. Đây cũng là một lời cảnh giác nghiêm nhặt hàm ẩn một bận tâm có tính huấn giáo của thánh sử. Ngài lo lắng vì thấy có biết bao tín hữu mà nơi họ Lời Chúa vẫn trơ trơ không sinh hoa kết quả gì cả. Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Gioachim Nguyễn Hữu Văn

Mới hơn Cũ hơn

*