Sports

header ads
Ngày 29 tháng 07 năm 2020
Thứ Tư, sau Chúa Nhật XVII Thường Niên


(Mt 13,44-46)

1. Từ một sự thật trong đời thường

Đối với dụ ngôn thứ nhất, một người tình cờ đào được kho báu trên một mảnh đất. Vì theo luật thời ấy, ai làm chủ vùng đất nào sẽ được quyền sở hữu mọi thứ tài sản nằm trong vùng đất ấy. Kho tàng anh gặp thấy phải là lớn lắm, khó lòng di chuyển mà không bị phát giác, chẳng vậy anh đã không thể mang về nhà ngay được, mà phải âm thầm lấp đất che kín lại. Rồi anh đi bán hết mọi thứ anh có để mua cho bằng được mảnh đất ấy.

Còn dụ ngôn thứ hai nói tới một thương giachủ ý đi tìm ngọc quý. Với con mắt tinh tường trong nghề nghiệp, ông đã tình cờ phát hiện ra một viên ngọc rất quý hiếm, mà có lẽ chính người bán cũng không biết nó quý giá đến như thế. Và ông đi bán tất cả những gì mình có mà mua cho kỳ được viên ngọc vô cùng quý giá đó. 

Cả hai dụ ngôn có cùng một bố cục như nhau: “tìm thấy” – “bán tất cả” – “mua bằng được”. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính của hai dụ ngôn này ở chỗ kho báu được chôn trong ruộng - điều mà người ta không chủ ý đi tìm nhưng chỉ vô tình phát hiện ra; đang khi viên ngọc quý - điều mà giới thương gia luôn ráo riết săn lùng. Nhưng cho dù vô tình cờ hay chủ ý tìm kiếm, khi đã khám phá ra thì thái độ khôn ngoan chỉ là một: đi bán mọi thứ mình có để được chiếm hữu cho kỳ được điều quý giá nhất.

2. Đến sự thật của Nước Trời

Ở địa vị mỗi người chúng ta, chắc chắn chúng ta cũng làm như hai người kia. Kho báu và viên ngọc là những thứ thấy được, có giá trị hiển nhiên và hết sức hấp dẫn. Chúng hứa hẹn một sự giàu sang mà ai cũng ước muốn, nên người ta dễ bán đi tất cả để mua được chúng. Trong cuộc sống hôm nay, do bị ảnh hưởng bởi não trạng hưởng thụ vật chất, người ta thường coi kho báu duy nhất ở đời này là chức quyền, danh vọng, tiền bạc, và lạc thú. Cho nên, khi nói đến sự thật của Nước Trời là kho báu bền vững, Đức Giêsu là viên ngọc quý đích thực, người ta lại thấy đó là cái gì mơ hồ, xa xôi, ít lôi cuốn hấp dẫn, thậm chí không có thật. Chính vì thế ngườita thường ngần ngại khi phải từ bỏ, so đo nuối tiếc khi phải hy sinh cho Nước Trời và Tin Mừng của Chúa.

Qua hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng: không có gì có thể so sánh được với giá trị của Nước Trời. Nó quý giá hơn mọi của cải, danh vọng, phúc lộc, hơn tất cả những gì người ta có ở trần gian, đúng như lời Chúa đãnói: “Dù được lời lãi cả thế gian, mà thiệt mất linh hồn chẳng được ích gì”. Nếu phải đánh đổi tất cả để chiếm được Nước Trời cũng không đáng cho người ta phải phân vân hay lo buồn gì cả. Vì đó là một nguồn lợi vô cùng lớn lao.

Như vậy, vấn đề là chúng ta có thấy được Nước Trời như một kho báu và biết được Chúa Giêsu như một viên ngọc quí hay không? Nếu chúng ta thấy và biết được Ngài như một kho báu hay như một viện ngọc quý thực sự thì vấn đề từ bỏ sẽ không có gì khó lắm. Ngược lại, nếu chúng ta chưa thấy và biết được như vậy thì sẽ chẳng bao giờ dám bán đi tất cả từ bỏ cả. Cũng giống như người tìm ra kho báu hay viên ngọc quý đã không bỏ lỡ cơ hội nào, nhưng đã làm tất cả những gì có thể để có được những của quý giá ấy, thì người tìm kiếm Nước Trời cũng không thể bỏ lỡ một cơ hội nào, nhưng sẵn sàng làm tất cả để có được Nước Trời.Chỉ có ai thấy được những thực tại vô hình và ngây ngất trước giá trị của chúng, người ấy mới hồn nhiên và vui tươi đánh đổi tất cả kho báu phù phiếm ở đời này để chiếm lấy kho báu bất diệt trên trời (x. Mt 6, 20).

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã hứa ban Nước Trời cho những ai khao khát kiếm tìm. Xin Chúa ban ơn soi sáng cho chúng con luôn khôn ngoan trong mọi quyết định và hành động, dám chấp nhận đánh đổi tất cả những gì mình có ở đời này, để đang khi sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn tha thiết tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Gioan B. Vũ Quốc Đạt - Nhóm suy niệm BC

Mới hơn Cũ hơn

*