Hôm nay: Chủ Nhật, 27 / 04 / 2025 - 04:40:04

Sports

header ads
Chia sẻ Tình Yêu của Chúa Kitô
Trái Tim của Người Môn Đệ Truyền Giáo
Rao giảng Tin Mừng. Lời Chúa có thể khiến chúng ta cảm thấy khó chịu và sợ hãi. Là những Kitô hữu, chúng ta biết rằng chúng ta nên chia sẻ Tin Mừng. Nhưng người ta dễ nghĩ rằng đó là ơn gọi dành cho những người khác như các nhà truyền giáo, các tu sĩ, các giáo dân. Sau hết, vì sự hiểu biết về niềm tin của họ thì hơn cả chúng ta, và họ còn được đào tạo một cách đúng đắn. Vậy chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu đây?
Không khó khăn như bạn nghĩ đâu. Về vấn đề này, John và Therese Boucher phác thảo ra bốn bước đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện để chia sẻ niềm tin của mình: cầu nguyện, quan tâm, chia sẻ đức tin trong những cuộc trò chuyện và can đảm mời người khác vào trong một cộng đoàn đức tin. Vợ chồng nhà Boucher là những tác giả và giáo viên đã tham gia vào những nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội trong suốt nhiều năm qua. Chúng ta hy vọng rằng sự khôn ngoan đã được kiểm chứng theo thời gian của họ, vốn được phỏng theo từ cuốn sách Chia Sẻ Niềm Tin Bạn Yêu Mến, sẽ giúp bạn bừng cháy ngọn lửa ước muốn mãnh liệt hơn để chia sẻ niềm tin của mình và khuyến khích bạn tự tin vào chính khả năng chia sẻ ấy.
Lời mời của Thiên Chúa để chia sẻ đức tin của bạn có thể đã bắt đầu với một sự quan tâm ngày càng lớn dần lên, về những người con, cháu chắt của bạn đã không còn đến nhà thờ nữa. Có lẽ Thiên Chúa đang nói với bạn qua những lần tham dự thưa thớt trong các buổi phụng vụ ngày Chúa Nhật tại giáo xứ hoặc qua những tin tức về việc ngày càng có nhiều giáo xứ phải đóng cửa. Có lẽ bạn đã khó chịu khi những cuộc khảo sát cho thấy rằng có một sự giảm sút mạnh mẽ về số lượng những người Công giáo đã từng chủ động thực hành niềm tin của mình.
Những kinh nghiệm và nhận xét riêng của bạn, cũng như những thống kê, chỉ là một vài cách Thiên Chúa có thể đang kêu gọi bạn tìm thấy những phương cách mới để chia sẻ niềm tin mà bạn yêu mến. Nhưng làm thế nào thực hành điều đó dường như xa lạ hoặc không rõ ràng? Làm cách nào bạn nắm bắt được những gì mà Giáo Hội gọi là “Tân Phúc Âm hóa” và trở nên những gì mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi là “một người môn đệ truyền giáo”?
Đây là một định nghĩa về “việc rao giảng Tin Mừng” có thể hiểu: “Rao giảng Tin Mừng không đơn giản là dạy một học thuyết, nhưng là công bố Chúa Giêsu Kitô bằng những lời nói và hành động, nghĩa là, để làm cho chính mình trở nên một dụng cụ về sự hiện diện và hành động của Người trên trần gian” (Bộ Giáo Lý Đức Tin, Những Lưu Ý của Học Thuyết về Một Số Khía Cạnh của Việc Rao Giảng Tin Mừng, 2). Vì thế, chúng ta hãy khám phá việc trở nên những khí cụ về sự hiện diện của Chúa Kitô nghĩa là gì để chúng ta có thể học cách chia sẻ niềm tin của mình cách tốt hơn.
Một Lời Mời Gọi của Phép Rửa Tội. Qua Bí tích Rửa Tội, bạn đã được mời gọi đón nhận Chúa Giêsu như con đường, sự thật và sự sống. Và nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng mà bạn đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa Tội, bạn đã được tăng cường sức mạnh để sống lời kêu gọi này cách đơn giản nhưng sinh động. Dòng nước từ bình đựng nước rửa tội không phải là nước ao tù. Không. Bí tích rửa tội là một thực tại luôn chuyển động. Nó truyền cho bạn sự tự tin để nhận ra Chúa Giêsu trong thế giới hàng ngày của bạn, đặc biệt trong những cách để mang mọi người đến với Chúa.
Có lẽ bạn đang tự hỏi rằng: “Làm sao tôi có thể mang người nào đó đến với Chúa hoặc đến với Giáo Hội? Tôi không phải là một nhà truyền giáo chuyên nghiệp” Nhưng bạn không cần phải là một chuyên gia; bạn chỉ cần có kinh nghiệm về tình yêu của Chúa Giêsu. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết: “Bất cứ ai đã thực sự cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa thì không cần nhiều thời gian hay một sự đào tạo lâu dài để đi rao giảng tình yêu đó” (120).
Trên thực tế, bạn có thể đã đang làm chứng cho niềm tin của mình bằng cách bạn chăm sóc tha nhân trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Những trường hợp như thế này có thể trở nên những cơ hội hoàn hảo để giúp cho mọi người cảm nghiệm được Chúa Giêsu trong những cách thức mới mẻ. Cũng theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Ngày nay, khi Hội Thánh tìm kiếm các trải nghiệm về một cuộc canh tân truyền giáo sâu xa, có một loại rao giảng mà mỗi người chúng ta phải coi như một bổn phận hằng ngày. Nó liên quan đến việc đem Tin Mừng cho những người chúng ta gặp gỡ, dù họ là những người lân cận hay người hoàn toàn xa lạ với chúng ta” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 127).
Được thúc đẩy bởi Thần Khí. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại Sông Giođan, Người đã không chỉ được nhấn chìm dưới dòng nước; Người còn được dìm  trong chiều sâu của tình yêu của Chúa Cha dành cho mình. Người đã cảm nghiệm được quyền năng của Chúa Thánh Thần đang ngập tràn trong linh hồn Người  và hướng dẫn Người bước ra với toàn thế giới.
Sau khi tất cả những người đã được rửa tội và Chúa Giêsu cũng đã được rửa tội, và khi Người đang cầu nguyện, trời mở ra và Thánh Thần đã ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu . Và có một tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Ta; Ta hài lòng về Con” (Lc 3,21-22).
Sau đó, Thánh Thần đã phái Người đi chia sẻ Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa với mọi người. Bạn có thể tưởng tượng cảnh mọi người ngạc nhiên khi đến thế nào nghe Chúa Giêsu nói trong hội đường ở Narazeth, nơi Người đã sinh trưởng không? Đức tin và lòng nhiệt thành của Chúa Giêsu thể hiện cách rõ ràng khi Người nói với họ rằng lời tiên tri của ngôn sứ Isaia đã được kiện toàn trong chính Người. Thánh Luca trình thuật cho chúng ta: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4,22).
Qua các Bí tích khai tâm Kitô giáo như Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, chúng ta cũng được tặng ban tràn đầy Thánh Thần và được sai đi để tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi mang Tin Mừng của Chúa Giêsu vào trong các gia đình, hàng xóm, cộng đoàn, giáo xứ và công sở.
Đức giáo hoàng Phaolô VI, trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng Evangelii Nuntiandi (Phúc Âm Hóa trong Thế Giới Hiện Đại, 1975), khuyến khích chúng ta trong tư cách cá nhân hay giáo xứ chọn lựa Phúc Âm Hóa một cách ý thức: “Thực vậy, rao giảng Tin Mừng là ơn huệ và ơn gọi riêng của Giáo Hội, là chân tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu để rao giảng Tin Mừng” (14).
Được ban tràn đầy Thánh Thần. Thiên Chúa muốn ban cho bạn một ngọn lửa nội tâm và một lòng can đảm mới để rao giảng Tin Mừng. Nhưng điều đó chỉ xảy ra từ niềm vui gặp gỡ Chúa và nhận biết tình yêu kỳ diệu của Thần Khí Chúa. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết: “Mọi Kitô hữu đều là người truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, 120). Hoặc như tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục năm 2012 về các trạng thái loan báo Tin Mừng Mới khẳng định rằng: “Tin Mừng chỉ có thể được chuyển tải dựa vào việc ‘ở’ với Chúa Giêsu và sống với Người…; và, trong một cách thức tương ứng, dựa vào ‘cảm thức’ được thúc đẩy đi rao giảng và chia sẻ những gì đã sống như một điều thiện hảo và như những gì tích cực và ý nghĩa” (Lineamenta, 12).
Giống như Chúa Giêsu đã hứa hẹn một Lễ Ngũ Tuần mới cho các tông đồ (Cv 1,8), Người hứa với bạn một cuộc ban Thánh Thần của Người, Đấng là nguồn mạch của lòng nhiệt thành, thương cảm và tất cả những hồng ân mà bạn cần cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Giống như các môn đệ và các tông đồ thời Giáo Hội sơ khai, Thiên Chúa sẽ ban cho bạn nhiều “Lễ Ngũ Tuần”, hoặc những sự tuôn đổ Thánh Thần, như bạn cần để chia sẻ Tin Mừng về Chúa Giêsu trong cuộc sống hằng ngày.
Ơn nhiệt thành chỉ là một trong những ân huệ và đặc sủng sẽ lớn lên trong bạn khi bạn hoàn toàn phó thác cho Chúa Thánh Thần và cầu xin ơn được trở nên người môn đệ truyền giáo. Vì Chúa Thánh Thần là tác nhân nền tảng của việc rao giảng Tin Mừng, nên thách đố của bạn là đón nhận Người như một Ngôi Vị Thiên Chúa – Đấng yêu thương bạn và muốn là thầy dạy của bạn.
Vì thế, bạn hãy cầu xin Thánh Thần đổ đầy lòng bạn và trao cho bạn sứ mạng của Chúa Kitô. Hãy để Thánh Thần phú ban cho bạn tất cả những ơn huệ thiêng liêng mà bạn cần để đem Tin Mừng đến cho mọi người. Như Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: Mỗi người chúng ta phải “để chúng ta được tràn ngập sự hăng say của việc rao giảng tông đồ sau Lễ Hiện Xuống. Chúng ta phải hồi sinh trong con người chúng ta niềm tin bừng cháy của Thánh Phaolô, đấng đã thốt lên: ‘Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng’ (1 Cr 9, 16) (Novo Millennio Ineunte, 40).
Trong Lòng nhiệt thành Thần Khí. Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa Cha sai vào trong trần gian nhờ quyền phép của Chúa Thánh Thần. Tin Mừng của Thánh Gioan thuật lại rằng Chúa Giêsu “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Người đã đến như một Nhà Truyền Giáo (nghĩa tiếng Latinh chỉ “một người được sai đi”). Người vượt qua thời gian, không gian, ngôn ngữ, các nhóm tuổi và văn hóa để mạc khải tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa cho chúng ta. Sứ mạng của Người là khai sinh Giáo Hội.
Và như thế, chúng ta, các môn đệ của Chúa, cũng được sai đi, bằng một lời mời gọi không kém hơn một nhà truyền giáo , một người sẵn sàng rời bỏ gia đình của mình và đi khắp nơi trên thế giới vì lợi ích của Tin Mừng. Dù là bạn chỉ rời khỏi cánh cửa ngôi nhà của mình, khi bạn bước qua cánh cửa đó thì bạn cũng được sai đi nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đó là lý do tại sao lời cuối cùng chúng ta nghe vào phụng vụ ngày Chúa Nhật là hãy “đi loan báo Tin Mừng của Đức Chúa”.
Như vậy từ đây chúng ta sẽ đi đâu? Trong hai bài viết kế tiếp, chúng ta sẽ nói nhiều hơn đặc biệt về bốn bước đơn giản để mang Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho những người mà chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Qua việc chúng ta cầu nguyện, quan tâm (chăm sóc), chia sẻ niềm tin trong những cuộc trò chuyện và mời họ đến với cộng đoàn đức tin của chúng ta, chúng ta có thể trở thành một phần của công trình Tân Phúc Âm hóa mà thế giới của chúng ta đang rất cần.
Theo The Word Among Us [Wau]
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Mới hơn Cũ hơn

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*