Sports

header ads
Lời kinh của Chúa Giêsu (Kinh Lạy Cha)
Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu cho chúng ta một cái nhìn thoáng về trái tim của Thiên Chúa, Người dạy chúng ta cách cầu nguyện và cầu xin những gì.
Bài viết của Mark Hart
Đây không chỉ đơn giản Chúa Giêsu dạy chúng ta phải nói những gì hoặc nói như thế nào khi cầu nguyện.
Đây là Chúa Cứu Thế của chúng ta, Đấng dạy chúng ta cách suy nghĩ, cách yêu thương và cách lãnh nhận tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu sẽ ban cho chúng ta một trái tim mới. Chúng ta có cơ hội để đổi những trái tim cứng cỏi và bị tổn thương của chúng ta để lấy trái tim nhân ái và thánh thiện của Chúa.
Để thực sự hiểu được từ “của chúng con (our)” trong cụm từ “Lạy Cha chúng con – Kinh Lạy Cha (in Our Father)”, chúng ta phải nhìn vào từ thứ hai để chúng ta có thể hiểu đầy đủ từ thứ nhất. Những lời này nói về mối tương quan: mối tương quan giữa Cha và con, vâng, nhưng một cách đặc biệt hơn là mối tương quan giữa Thiên Chúa và con cái của Người.
Một khi chúng ta mở rộng tầm hạn của chúng ta vượt ra khỏi từ thứ nhất – “của chúng ta (our)” –  liên hệ đến cụm từ “Cha của chúng ta (Our Father)”, chúng ta nhanh chóng (dễ dàng) nhìn thấy nó trong bối cảnh, như một loạt các điểm quan trọng mà Chúa chúng ta làm. Nếu Thiên Chúa là Cha, thì tất cả chúng ta đều là con cái của Người; trong Kinh Lạy Cha, tất cả chúng ta đều có liên hệ với nhau với tư cách là anh chị em. Kinh Lạy Cha không chỉ đơn thuần là một lời cầu nguyện cá nhân giữa bạn với Thiên Chúa của bạn hoặc giữa một đứa con với “Người Cha” thánh thiêng của mình. Đây là lời cầu nguyện của một gia đình, một lời cầu nguyện giữa Thiên Chúa là Cha và mọi người là con cái của Người. Kinh Lạy Cha không chỉ là lời kinh cá nhân mà còn là lời kinh của đoàn thể; là lời cầu nguyện vừa riêng tư (thân mật) vừa mang tính chung cộng đoàn.
Bạn đã bao giờ dừng lại để suy xét xem tại sao có hơn sáu tỷ người trên một hành tinh mà không phải là một người trên sáu tỷ hành tinh khác nhau? Thiên Chúa cũng có thể làm điều đó theo cách đó chứ, phải không? Tại sao Người đặt tất cả chúng ta lại với nhau trên đá cẩm thạch màu xanh quay tròn này đang lướt qua hệ mặt trời? Tại sao Người buộc chúng ta phải sống, làm việc cùng nhau và hòa thuận với nhau? Cha đang cố gắng dạy con cái mình điều gì?
Chúng ta không chỉ có thân xác; chúng ta còn có linh hồn. Chúng ta còn hơn cả các thọ tạo; chúng ta là những người con. Chúng ta ở đây cùng với nhau. Thực tế là tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh thánh thiêng của Người (x. St 1,26-27). Sự thật này không thể được cường điệu. Thiên Chúa không chỉ thiết lập một mối tương quan cá vị với chúng ta; Người còn thiết lập và đặt để chúng ta trong các mối tương quan với nhau. Chúa Kitô đã đến không chỉ để cứu chuộc chúng ta mà còn để phục hồi chúng ta, làm cho chúng ta đạt tới mối tương quan thực sự với Thiên Chúa  với nhau. Sự chữa lành của Chúa Giêsu đối những người bị bệnh phong (x. Mt 8,2-4) hoặc người phụ nữ bị xuất huyết (x. Mc 5,29-34) không chỉ là việc chữa lành về thể lý; nhưng đó còn là sự phục hồi người đó trở về với toàn thể cộng đồng sau thời gian bị ruồng bỏ. Những cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,2-11) hoặc người phụ nữ Samari tại giếng nước (x. Ga 4,4-42) không chỉ đơn thuần là để biểu lộ phẩm giá mà Người nhìn thấy nơi các phụ nữ mà còn là mở rộng lời mời của Chúa đến mọi người, cả tội nhân cũng như những người không phải là người Do Thái, đi vào mối tương quan phổ quát, sâu sắc hơn với nhau như những người con của Thiên Chúa hay còn gọi là chi thể của Chúa Kitô.
Chúng ta không bao giờ có thể quên rằng “Điều răn vĩ đại nhất” có hai phần. Điều răn không chỉ đơn thuần là yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của bạn hết tâm hồn, hết lòng, hết linh hồn và sức lực của bạn (x. Mt 22,37-38); điều răn còn bao gồm một lệnh truyền thứ hai (không phải không quan trọng) nhắc nhở chúng ta về mối tương quan mà chúng ta đã được dạy: “Yêu thương người lân cận (tha nhân) như chính mình” (Mt 22,39-40). Nếu chúng ta không nhìn thấy Thiên Chúa nơi anh em mình, và cũng không yêu mến anh em mình đủ thì chúng ta cũng sẽ không thể yêu Thiên Chúa (x. Mt 25,40). Theo cách này, khi chúng ta không yêu thương nhau, chúng ta đang vi phạm điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta có thường xuyên thú nhận sự thiếu sót đó không? Nói về bản thân mình, tôi hầu như không nhìn những người lân cận của mình trong ánh sáng này.
Khi cầu nguyện lạy Cha “chúng con”, chúng ta không chỉ cầu nguyện với nhưng còn cho cả các anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô. Trong bài giáo lý về cầu nguyện này, còn hơn cả một lời mời, Chúa Giêsu đang mong muốn chúng ta đi vào mối tương quan với Cha của Người. Chúa Giêsu đang giới thiệu với chúng ta về một gia đình vĩ đại hơn, đó là thân mình thật sự của Chúa Kitô và là một sự bắt đầu cho một cách sống mới.
Đây là một lý do khác giải thích tại sao mối tương quan của chúng ta với Mẹ Maria và các thánh là rất cần thiết và vô giá trong sự lớn lên của chúng ta là những người Kitô hữu. Việc xin những người khác cầu nguyện cho chúng ta là một dấu hiệu của sự khiêm nhường và tin tưởng. Việc van nài lời cầu nguyện chuyển cầu hiệp thông của các vị thánh – những anh chị em đó trong đức tin đã đi trước chúng ta và đã hoàn thành cuộc chạy đua (x. 1 Cr 9,24-27; Dt 12,2) – là cách duy nhất chúng ta có thể để ở trong mối tương quan đầy đủ và toàn thể với thân mình của Chúa Kitô. Sẽ thiển cận biết bao khi chúng ta với tư cách là những Kitô hữu nghĩ rằng sự hiệp thông trọn vẹn của chúng ta với thân mình của Chúa Kitô chỉ dừng lại với những người vẫn còn bị giới hạn ở trần gian, với tình trạng tội lỗi của họ. Sẽ hạn chế biết bao khi chúng ta không kết hợp chặt chẽ với linh hồn của những các thánh đang sống viên mãn hơn chúng ta .
Sự hiệp thông thực sự với Chúa Kitô đòi hỏi một mối tương quan với tất cả mọi người, những người tin và không tin, dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai; tất cả chúng ta đều được liên kết chặt chẽ bởi Thiên Chúa. Chúng ta được liên kết cách đặc biệt với sự hiệp thông của các vị thánh nơi phòng tiệc ly và nơi thập giá ở Canvariô. Thánh Lễ là sự khai mở lớn nhất để trở nên một phần của sự hiệp thông của các thánh, vì trong Thánh Lễ, chúng ta đang thờ phượng cùng với các thánh và các thiên thần, chúng ta đang tìm kiếm ân sủng mà chúng ta cần để sống cuộc sống từ bỏ thú vui để đến với Chúa như các thánh đã làm.
Ađam và Eva đã có sự hiệp thông tuyệt vời ở vườn Eden. Tất cả nhu cầu của họ đã được đáp ứng. Họ đã được Thiên Chúa tặng ban cho một quà tặng vô giá không thể mua hay kiếm được, quà tặng về tư cách làm con của Thiên Chúa. Họ là những người con của Thiên Chúa. Tư cách làm con của Chúa Giêsu thì vinh quang hơn vô vàn so với tư cách làm con của Ađam, vì lý do rất đơn giản này: Chúa Kitô (Người Con vĩnh cửu) là Thiên Chúa! Nhờ bí tích rửa tội của chúng ta, giờ đây là tư cách làm con “của chúng ta”; chúng ta được chính Chúa Kitô dẫn đưa vào tư cách làm con thánh thiêng này của Chúa Kitô. Đây là nguồn gốc của chữ “của chúng con” khi chúng ta thưa chuyện với Cha chúng ta.
Hãy dừng lại và cân nhắc về điều mà chúng ta được dạy về mối quan hệ với Thiên Chúa qua cụm từ đầu tiên trong Kinh Lạy Cha (hay còn được gọi là Lời Kinh của Chúa): Cha trên trời đã ban cho chúng ta một ân huệ thậm chí còn mạnh mẽ và vinh quang hơn ân huệ mà Ngài đã ban cho Ađam và Evà ngay từ đầu. Thiên Chúa đã ban chính Ngài cho chúng ta – đó là Chúa Giêsu. Và chính Chúa Giêsu đã trao ban chúng ta cho Chúa Cha. Chúng ta được công bố và được nhận làm con Thiên Chúa (1 Ga 3,1). Sự sống mà Ađam đã đánh mất trong tội, thì nay, Chúa Con lại ban nó cho chúng ta một cách sung mãn trong tình yêu thương.
Tình yêu này, được tặng ban một cách nhưng không (x. 1 Ga 4,8.19), nhắc nhở chúng ta về bản tính thần linh của Thiên Chúa, cũng như vận mệnh vĩnh cửu của chúng ta như một gia đình. Gia đình của chúng ta không hoàn hảo, một hỗn hợp những con người thánh thiện và không thánh thiện; Cây gia phả của chúng ta là một tâp hợp các loại trái cây (và các loại hạt) phong phú, với mỗi nhánh tự hào biểu lộ những trái cây tốt, không tốt và xấu. Và qua tất cả thực tế đau đớn này, Thiên Chúa không đối xử theo kiểu tình cảm con người. Thiên Chúa yêu thương người vô thần nhiều như yêu thương vị linh mục, Người yêu thương cô gái điếm nhiều như người trinh nữ, yêu thương người buôn bán ma túy nhiều như yêu thương một thánh nhân. Bạn hãy suy gẫm điều đó một chút. Tình yêu của Thiên Chúa không phải là hay thay đổi; Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu nhân từ của người cha. Thiên Chúa, như Tình Yêu hoàn hảo vô điều kiện, không thể đặt điều kiện trên tình yêu của Người. Thiên Chúa không thể chọn một đứa con trai hay con gái Người yêu thích trong thân mình (thân mình của Chúa Kitô) giống như bạn có thể chọn một tế bào yêu thích trong cơ thể vật lý của bạn.
Mối tương quan này giữa bạn với Thiên Chúa (nhờ Chúa Kitô) và giữa bạn với những người khác là nền tảng cho phần còn lại của Kinh Lạy Cha. Nó cũng là nền tảng cho Giáo Hội của Chúa Kitô và phải là nền tảng cho cuộc sống của chúng ta với tư cách là các Kitô hữu. Chúng ta được rửa tội để gia nhập vào gia đình của Chúa Ba Ngôi chí thánh (x. Mt 28,19-20). Thiên Chúa dùng mối tương quan gia đình này, được tặng ban qua bí tích rửa tội của chúng ta, để mời những người khác (những người không được rửa tội) tham dự vào gia đình của Người. Nhờ viễn cảnh của gia đình này, mối tương quan với Thiên Chúa và với nhau, chúng ta đi sâu hơn vào Kinh Lạy Cha, và một cách đặc biệt hơn, đi vào trái tim của Cha chúng ta.
Đây là một chọn lọc từ một cuốn sách mang tên Chúa Cha “R”14 cách để đáp lại Lời Cầu Nguyện của Chúa, của tác giả Mark Hart (The Word Among Us Press, 2010). Trích nguồn tại wau.org/books.
Theo The Word Among Us [wau.org]Prayer Resources  Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Mới hơn Cũ hơn

*