Sports

header ads
Đường Thương Khó Hôm Nay – Suy niệm Chặng Đường Thánh Giá Tuần Thánh 2020
Kính thưa cộng đoàn
Đại dịch Corona đã làm  cho nhịp sống nhân loại quay chậm lại. Tạm gác lại cuộc sống xô bồ, vội vã của công việc và tiền bạc, con người được mời gọi sống thinh lặng hơn để cân nhắc đâu là điều thiết yếu, đâu là cái phù du của cuộc đời. Bên kia sự thinh lặng, hôm nay Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta cùng bước theo Đức Giêsu trên con đường thương khó của thời đại này, dừng lại nơi mỗi chặng để một lần nữa lắng nghe và thấu hiểu điều Thiên Chúa  nói với chúng ta qua  những dấu chỉ của thời đại.
Chặng Thứ Nhất: CHÚA GIÊSU BỊ KẾT ÁN TỬ
Thế rồi họ cứ một mực la lớn: “Ðóng đinh! Ðóng đinh nó vào thập giá!” Và ông Philatô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu. (x. Lc 23,21-24)
Trước khi Philatô kết án ĐGS thì ĐGS đã dạy cho các môn đệ phải tha cho những người xúc phạm đến mình 70 lần 7, còn chính Ngài lại hứa: Ta lấy chính danh Ta mà thề, Ta đâu muốn cho kẻ dữ phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tà để được sống”(x. Ed 18,23). Thiên Chúa luôn tha thứ cho con người, phải chăng đó lại là cái cớ để con người cứ sai phạm?. Như thế  phải chăng Thiên Chúa cũng chẳng coi trọng đến những việc chúng ta làm kể cả việc tốt lẫn việc xấu?. Không, Thiên Chúa làm sao quên được nhân loại đã đóng đinh con mình trên Thánh giá vào thứ sáu tuần thánh, nhưng tha thứ nói lên tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa, điều  này có nghĩa là mời gọi chúng ta  phải nhìn lại đời sống mình với tất cả những thua thiệt hay các hành vi xấu xa hoặc những thái độ thiếu vắng tình yêu mà chúng ta dành cho tha nhân. ĐGS không chỉ chịu kết án một mình, nhưng cạnh Ngài còn có 2 tên gian phi, họ tượng trưng cho biết bao con người mà chúng ta đã đóng đinh kết án cách vô tình hay chủ ý.
Lạy Chúa, trong cuộc sống hằng ngày, chúng con dễ lên án người này, chỉ trích người kia cách tự do mà ít nhận ra  những vết thương làm ảnh hưởng đến tâm hồn và cuộc sống họ như thế nào. Xin thương tha thứ cho chúng con, và xin cho chúng con cũng biết tha thứ cho những người mắc lỗi với chúng con.
–  Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
–  Xin Chúa thương xót chúng con
Chặng Thứ Hai: CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ
Ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Đức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ. (Ga 19,16-17)
Sách Xuất hành thuật lại rằng: Trên đường tiến về Đất hứa, mỗi khi gặp chuyện không vừa ý là dân thường hay kêu trách Đức Chúa, vì họ không đủ khiêm nhường và kiên nhẫn để tìm ra đâu là những nguyên nhân của sự việc, do Thiên Chúa hay do con người ?
Đứng trước nỗi đau của đại dịch đã có rất nhiều người cũng mang tâm trạng của dân Israel xưa khi đặt câu hỏi: Có Thiên Chúa không? Ngài ở đâu trong khi nhân loại ngập chìm trong bể khổ?. Chẳng phải cái thế giới khoa học công nghệ bậc nhất này, với sự khôn ngoan và tự do, con người đã chẳng từng tìm cách loại trừ Thiên Chúa bằng những chính sách vô thần và sự kiêu ngạo đó sao?. Phải chăng Ngài khôn ngoan bao nhiêu thì càng kiên nhẫn bấy nhiêu?.
Dẫu sao trong số ấy vẫn còn có những con người với sự khiêm tốn cùng niềm tin vững mạnh đã nhận ra rằng: Thiên Chúa vẫn có đó, Ngài đang đứng chung với những người cùng khổ, để gánh lấy các bệnh hoạn tật nguyền của ta”(x.Mc 1, 40-45). Phần chúng ta cũng hãy là những nhà giảng thuyết về niềm hy vọng cho thế giới hôm nay.
–  Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
–  Xin Chúa thương xót chúng con
Chặng Thứ Ba: CHÚA GIÊSU NGÃ LẦN THỨ NHẤT
Đức Giêsu thốt lên: “Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén này” (Mt 26,39).
Ngày nay sức nặng của cây Thập giá được kết đan bởi không chỉ nạn ô nhiễm môi trường sinh thái, môi trường giáo dục, mà còn cả môi trường đạo đức. Trái đất đang rên siết và quằn quại kêu lên, bởi vì cách sử dụng vô trách nhiệm và sự lạm dụng của nhân loại về những sự giàu có mà Thiên Chúa đã ban xuống ngang qua Mẹ Đất. Tình trạng ô nhiễm cũng được suy tư trong những triệu chứng của bệnh tật nơi con người, nơi đất đai, nơi nguồn nước, nơi không khí và nơi tất cả mọi dạng thức của sự sống trong đó có cả sự ô nhiễm văn hóa, khiến sự phát triển nhân cách con người từ cá nhân đến cộng đồng khó tránh khỏi sự tha hóa .
Lạy Chúa, xin nâng chúng con trỗi dậy từ những sa ngã của lòng ích kỷ, tham lam nơi tâm hồn và  những yếu đuối do thiếu hiểu biết của chúng con.
–  Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
–  Xin Chúa thương xót chúng con
Chặng Thứ bốn: ĐỨC MẸ GẶP ĐỨC CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ
“Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 35)
Có người mẹ nào lại không quặn đau khi thấy con mình đau, nhìn con với những vết thương đang rỉ máu cùng cây thánh giá nặng trên vai, lòng Mẹ đau đớn nát tan. Mẹ biết rằng lúc này Chúa cũng cần sự an ủi động viên của Mẹ, nên bất chấp những nguy hiểm sợ hãi, Mẹ đã len lỏi giữa đám người đang gào thét điên cuồng để gặp con mình.
Lạy Mẹ Maria, ngày nay sức nặng của dịch bệnh đang đè nặng trên nhân loại chúng con,  chớ gì chúng con cũng được đón nhận lòng thương xót của Mẹ, để thánh giá của chúng con được nhẹ nhàng hơn. Đức Bà yên ủi kẻ âu lo, xin cầu cho chúng con
–  Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
–  Xin Chúa thương xót chúng con
Chặng Thứ Năm : ÔNG SI MON VÁC ĐỠ THÁNH GIÁ CHÚA GIÊSU
“Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật ĐKT” (Gl 6, 2)
Trên đường lên núi sọ, sức tàn lực kiệt, Đức Giê-su vẫn chờ đợi một sự giúp đỡ của một ai đó, để Ngài hoàn trọn thánh ý Chúa Cha
Hãy cùng Ông Simon đặt mình vào hoàn cảnh  của một bệnh nhân đang phải vác thánh giá nặng của bệnh tật, chúng ta muốn người khác làm gì cho chúng ta lúc này?
Là Kitô hữu, chúng ta tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện và hy sinh, đây cũng là điều  mà chúng ta phải cống hiến cho anh chị em chúng ta trong giai đoạn này.
Lạy Chúa, xin thương xót những anh chị em của chúng con đang trong cơn dịch bệnh, và xin cho có nhiều người, nhiều tổ chức quảng đại giúp đỡ họ trong cơn nguy khốn.
–  Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
–  Xin Chúa thương xót chúng con
Chặng Thứ Sáu: BÀ VERONICA LAU MẶT CHÚA GIÊSU
“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
 Thế giới ngày càng bị rơi vào tình trạng báo động, không chỉ về dịch bệnh mà còn về sinh thái và về sự nham hiểm lòng người. Song bên cạnh đó Chúa vẫn cho chúng ta nhìn thấy các Linh mục, tu sĩ, những con người can đảm đứng lên bênh vực cho công lý và hòa bình, các nhà khoa học biết khiêm tốn nhìn nhận quyền năng của Thiên Chúa, các nhân viên y tế, các tình nguyện viên hiện diện trên các mặt trận nguy hiểm của dịch bệnh,… Họ là những Veronica thời đại đang ngày đêm nỗ lực phác họa lại khuôn mặt của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Xin Chúa thương chúc lành cho những hy sinh và cố gắng của họ, để những việc họ làm được mưu ích cho các linh hồn và làm sáng danh Chúa hơn.
–  Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
–  Xin Chúa thương xót chúng con
Chặng Thứ Bảy: CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ HAI
“Sự thật, chính Người đã mang lấy những đau khổ của chúng ta, đã gánh chịu những đau đớn của chúng ta” (Is 53,4)
 Sức nặng của cây thánh giá hôm nay không chỉ là những công nhân nghèo không có chỗ định cư, những cô gái bị ép phải bán thân, bị bán làm dâu xứ người bởi những nhóm buôn người thời đại, và còn những đường dây mua bán nội tạng, nhất là nội tạng của những người nghèo để phục vụ cho sự sống của những người giàu … chưa hết, có bất công không khi mỗi năm có ít nhất 56 triệu thai nhi vô tội bị giết[1] nhưng chẳng mấy ai lên tiếng trong khi một con Virus nhỏ xíu giết chết hơn 40.000 người đủ làm cho những người có lý trí và tự do hoảng loạn.
Lạy Chúa, xin cho những người giữ vai trò trách nhiệm biết lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo đang bị bóc lột, bị gạt ra bên lề xã hội. Ước gì công lý và hòa bình hiện diện trên quê hương của chúng con. Và xin cho các nạn nhân luôn được sống trong niềm hy vọng khi nhận ra Chúa luôn đồng hành với họ.
–  Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
–  Xin Chúa thương xót chúng con
Chặng Thứ Tám: CHÚA GIÊSU AN ỦI PHỤ NỮ THÀNH GIÊRUSALEM                                     
Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó, có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu”. ( Lc 23,27-28)
Có một sự nghịch lý làm Mẹ Giáo Hội phải đau lòng: Trong khi Giáo hội Trung hoa với những chính sách bách hại đạo gay gắt: Nhiều nhà thờ bị đập phá, các thánh giá bị  dỡ bỏ thay vào đó là bức ảnh chân dung của Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình. Phải gỡ bỏ ‘Mười Điều Răn’ của Chúa, thay vào đó là các trích dẫn của Chủ tịch Tập. Các tín đồ lớn tuổi bị đe dọa cắt lương hưu, còn tín hữu trẻ thì gặp nhiều khó khăn trong học hành và công việc…sự cấm cách này làm cho các Kitô hữu phải lén lút sống đức tin trong giáo hội hầm trú. Trái lại, ở các nước phương tây( Anh, Hòa Lan, Bỉ, ngay cả Ý…) nơi được tự do sinh hoạt tôn giáo thì đời sống đức tin của các Kitô hữu lại suy giảm đến mức báo động. Ở Pháp, Kitô Giáo hầu như biến mất, các thánh đường trống vắng không người tham dự phụng vụ. Đặc biệt chỉ riêng trong năm qua ở Đức hơn 216 ngàn tín hữu làm đơn ra khỏi Giáo Hội[2] số còn lại đang có ý định muốn tách khỏi Giáo Hội và  thành lập Đức Giáo… những điều này làm cho Mẹ Giáo Hội chúng ta phải đau lòng mà kêu lên rằng: Trở về đi hỡi những đứa con phản nghịch (Gr 3,12-14).
“Lạy Chúa, xin  rủ lòng thương xót dân Ngài! xin đừng để  gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân Ngoại” ( Ge 2,17)
–  Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
–  Xin Chúa thương xót chúng con
Chặng Thứ Chín: CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG LẦN THỨ BA
 “Lạy Cha, sao Cha đành bỏ con” ( Mc 17,34)
Theo thống kê của bộ y tế thế giới Tính đến chiều thứ Sáu 3 tháng Tư, tử vong toàn thế giới đã lên đến 53,190 người, trong số 1 triệu 15 ngàn 466 trường hợp nhiễm coronavirus.[3]
Gánh nặng của ĐGS hôm nay là nỗi đau của những nạn nhân đang trong dịch bệnh nhiễm Virus Corona, họ đang phải sống cách ly và bị cô lập với cộng đồng cùng với nhiều sự thiếu thốn, sợ hãi, lo âu…và đã có người phải thốt lên rằng : “Thứ 6 tuần thánh của chúng tôi dài quá !”
Cuộc sống hôm nay đang bày ra trước mắt nhân loại những biến cố rất ư khó hiểu và chẳng dễ có được câu trả lời xác đáng. Tất cả những gì chúng ta có thể làm trong lúc này, đó là tin rằng Thiên Chúa vẫn có mặt ở đây với chúng ta, Ngài đang cùng vác thánh giá của bệnh tật với nhân loại, Ngài cũng bị ngã dưới sức nặng của khổ đau phận người để cảm thông với sự yếu đuối của con cái mình.
Lạy Chúa! xin cho chúng con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa đang cùng vác Thánh giá với chúng con, để chúng con không phải sống trong cảnh thất vọng và sầu khổ, và xin cho chúng con cũng biết nhận ra Chúa nơi anh chị em, để chúng con biết sống cảm thông với nhau hơn.
–  Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
–  Xin Chúa thương xót chúng con
Chặng Thứ Mười: CHÚA GIÊSU BỊ LỘT ÁO
Họ nói với nhau: ‘Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được’. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh:‘Áo sống tôi chúng đem chia chác, cả áo dài cũng bắt thăm luôn’. ( Ga 19,24)
Phải chăng quân lính đang khát một tấm vải che thân? Không, họ là những người đại diện cho nhân loại hôm nay đang khát Thiên Chúa, và tấm áo trúng thăm nói lên con người mọi thời đại, từ tận cõi thẳm sâu của tâm hồn luôn ước vọng có được Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc trong đời, nhưng không phải ai cũng may mắn thỏa mãn được cơn khát ấy, vì họ đang bị những đam mê dục vọng trần thế làm mất phương hướng cuộc đời.
Nhưng liệu người may mắn được tấm áo của ĐGS có hạnh phúc không? Có thể, nếu anh ta dám chia sẻ cho người khác thấy giá trị của của tấm áo, nếu không, nó sẽ chỉ là một tấm vải như bao tấm vải khác trong tủ, chỉ mình anh ta biết, vậy có gì gọi là hạnh phúc đâu?
Thiên Chúa là tình yêu, Ngài muốn chia sẻ cho nhân loại tất cả những gì Ngài có, không chỉ là một tấm áo che thân mà còn: “ Này là Mình và Máu Thầy, hiến tế vì anh em”. (x.Lc 22,19-20)
 Chúng ta là những người may mắn vì được Thiên Chúa ban cho đức tin, để khi phải đối diện với bất kỳ biến cố nào, chúng ta vẫn có Chúa để bám víu. Chúng ta may mắn vì vẫn được bình an,  được ca tụng Chúa sớm chiều, được nhiều người thương mến…Vậy hãy chia sẻ cho tha nhân những gì chúng ta đang có: một lời nguyện, những hy sinh, niềm hy vọng … thế là đủ.
–  Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
–  Xin Chúa thương xót chúng con
Chặng Thứ Mười MộtCHÚA GIÊSU BỊ ĐÓNG ĐINH TRÊN THẬP GIÁ
Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,33-34).
Còn gì có thể làm mà Thiên Chúa đã không làm cho dân Ngài, thế mà con người đã trả ơn Chúa bằng những mũi đinh vô tâm dường bao. “Dân ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi? (Mk 6,3). cho ngươi được mang hình ảnh Ta, có lý trí và ý chí và tự do, thì ngươi lại dùng chúng để loại trừ Ta, Cho ngươi hưởng dùng một công trình tạo dựng tốt đẹp thì ngươi lại tàn phá làm mất cân bằng sinh thái và bệnh tật tràn lan. Cho ngươi có nam có nữ để liên đới, yêu thương và chia sẻ hạnh phúc, thì ngươi lại chà đạp nhân phẩm của những kẻ yếu thế và giết những thai nhi vô tội để chúng phục vụ nhu cầu ích kỷ của ngươi…
Lạy Chúa! Chúng con biết thưa gì với Ngài giờ này, chỉ biết cúi đầu xin cho nhân loại chúng con ơn sám hối ăn năn, xin chúa thương xót chúng con thêm lần nữa.
–  Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
–  Xin Chúa thương xót chúng con
Chặng Thứ Mười Hai: CHÚA GIÊSU CHẾT TRÊN THÁNH GIÁ
 “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” ( Lc 23,46)
Đại dịch Corona đã làm cho nhịp sống nhân loại quay chậm lại, thay vì xô bồ, vội vã và bị cuốn hút vào công việc, tiền tài, con người biết sống chậm lại để biết cân nhắc nhiều hơn, tất cả nói lên rằng, nhân loại đang rơi vào tình trạng sợ hãi, trên hết vẫn là sợ chết. ĐGS mời gọi chúng ta “ Đừng sợ”, vì tất cả những gì khiến chúng ta sợ hãi thì  cũng đã xảy đến với Người trong ngày thứ 6 Tuần Thánh. Thế nhưng Kinh thánh nói gì? “ Ngày thứ 7 Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,2)
Sau tất cả những gì đã và đang xảy ra, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta dành thời gian nghỉ ngơi để sống tĩnh lặng, thanh thản và bình an. Nghỉ ngơi[4] để nhìn lại chính mình trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với vũ trụ. Nghỉ ngơi không phải là ngưng hết mọi hoạt động nhưng là một cuộc trở về  với Thiên Chúa, vì Chúa đã nói: “ Đâu là chốn Ta nghỉ ngơi, nếu  không phải  nơi những người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát” (x.Is 66,2). Thiên Chúa muốn nhân loại nghỉ ngơi trong Chúa cho đến khi họ phải nhìn nhận rằng: “ Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết dạ, hết sức anh em” ( Đnl 6,5)
–  Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
–  Xin Chúa thương xót chúng con
Chặng Thứ Mười Ba:
THÁO XÁC CHÚA GIÊSU KHỎI THẬP GIÁ MÀ PHÓ Ở TAY ĐỨC MẸ
“Sau đó, Ông Giô-xép người A-ri-ma-thê đến xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống”. (Ga 19, 38)
Lạy Mẹ kính yêu, khi xưa dưới chân cây Thánh giá, Mẹ đã  đau khổ biết bao khi ôm xác con vào lòng. Hôm nay trong cơn đại dịch, mỗi ngày trôi qua, cả thế giới ngậm ngùi tiễn đưa hàng nghìn bệnh nhân về với Chúa, họ là anh chị em của chúng con, cũng là con của Mẹ. Đau buồn và bất lực, chúng con mới cảm được phần nào nỗi đau của Mẹ năm xưa.
Lạy Mẹ, chúng con xin phó dâng tất cả các linh hồn đã qua đời trong cơn đại dịch, những   bệnh nhân đang điều trị và cả những người thân của họ cho lòng từ ái của Mẹ, xin Mẹ cũng đoái thương ôm ấp tất cả chúng con vào lòng mà cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa cho chúng con sớm thoát khỏi đại dịch này.
–  Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
–  Xin Chúa thương xót chúng con
Chặng Thứ Mười Bốn: CHÚA GIÊSU ĐƯỢC MAI TÁNG TRONG MỒ
“Thế là đã hoàn tất” ( Ga 19,30)
Không còn những tiếng la lối của dân chúng, cũng chẳng còn tiếng roi đòn của lý hình, trong thinh lặng, nấm mồ đã khép lại cuộc thương khó của Chúa GS nơi trần gian, chỉ còn lại những tâm hồn đau khổ đang kiên nhẫn chờ đợi lời hứa phục sinh của Đấng Cứu Độ.
 Cũng vậy, trong cơn đại dịch, sau khi đã làm tất cả theo sự hiểu biết và khả năng của mình, chúng ta hãy phó thác tất cả nơi Thiên Chúa và sống bình an, vì tin rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28), biết đâu Thiên Chúa  muốn chúng ta cần có thời gian để thanh lọc trong đau khổ để thấm thía một bài học trong đời và để biết trân quý ân sủng Thiên Chúa nhiều hơn trong giây phút hiện tại.
  • – Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.
  • – Xin Chúa thương xót chúng con
Nt. Maria Thúy Kiều
[1]https://thanhnien.vn/the-gioi/25-trieu-ca-pha-thai-khong-an-toan-tren-the-gioi-moi-nam-880083.html[2] https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2019-07/hien-tuong-xin-ra-khoi-giao-hoi-tai-duc.html[3] Thay đổi cho chính xác và phù hợp theo ngày[4] Bảy lời cuối cùng của Đức Kito/ Timothy Radcliffe.O.P/ Tr.80
Mới hơn Cũ hơn

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*

*