Sports

header ads
Ngày 24 tháng 07 năm 2020
Thứ Sáu, sau Chúa Nhật XVI Thường Niên
“Người gieo giống đi ra gieo giống” – SN ngày 24.07.2020
I. LỜI CHÚA: Mt 13, 18-23
18 “Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.
19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận.21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.
23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKVP)
II. SUY NIỆM
Trong bài Tin Mừng của ngày thứ tư thường niên, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn “Người Gieo Giống” (Mt 13, 1-9). Vì thế, ngày hôm nay Giáo Hội cho chúng nghe lời giải thích của Người.
 1. Dụ ngôn đầu tiên
Đức Giêsu kể nhiều dụ ngôn, nhưng dụ ngôn “Người Gieo Giống” là dụ ngôn đầu tiên. Vì thế, dụ ngôn này có tầm quan trọng đặc biệt; thực vậy, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn” (Mc 4, 13).
Có thể nói, đây là “dụ ngôn mẹ” nói cho chúng ta về “những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa”; đó là:
  • Mầu nhiệm sáng tạo, bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi ra khỏi chính mình để sáng tạo và Thiên Chúa sáng tạo bằng Lời (St 1 và Ga 1, 3).
  • Mầu nhiệm cứu độ, bởi vì dụ ngôn nói đến tội lỗi và Sự Dữ làm cản trở Lời Thiên Chúa sinh hoa kết quả. Như chính Đức Giê-su giải thích trong bài Tin Mừng hôm nay.
  • Mầu nhiệm nhập thể, bởi vì Ngôi Lời Thiên Chúa ra khỏi cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa đích thân đến với thế giới loài người chúng ta để ban Lời hằng sống của Thiên Chúa.
  • Và về mầu nhiệm Thánh Thể và mầu nhiệm Vượt Qua, bởi vì Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa, gieo lời và gieo luôn chính mình, như tấm bánh trong bí tích Thánh Thể và như hạt lúa mì, trong cuộc Thương Khó.
 2. “Người Gieo Giống”
Có lẽ đa số chúng ta đều xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, nghĩa là làm vườn hay làm ruộng; hoặc chúng ta có kinh nghiệm ít nhiều về nghề này; nếu không, chúng ta cũng biết được những hoạt động này qua chương trình học phổ thông hay các phương tiện truyền thông.
Đối với chúng ta, “người gieo giống ra đi gieo giống” là sự kiện quá đỗi bình thường và lập đi lập lại. Nhưng lời này, vì xuất phát từ miệng Đức Giêsu, nên diễn tả một biến cố thật lớn lao: Ngôi Lời Thiên Chúa, ra khỏi cung lòng Thiên Chúa, đi gieo Lời của mình (trong sáng tạo, trong lịch sử loài người và lịch sử cứu độ. và nhất là nơi Đức Giêsu-Kitô);
Và Ngài không chỉ gieo Lời của mình, mà còn gieo chính mình, gieo sự sống của mình, vì lời nói của Ngài và ngôi vị của Ngài là một. Như chính Đức Giê-su nói về cuộc Thương Khó của Ngài: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
Trong dụ ngôn, có bốn trường hợp: trường hợp đầu là mất trắng, vì hạt giống rơi xuống vệ đường, nên những con chim đến ăn mất hạt giống; trường hợp sau, hạt giống rơi trên sỏi đá, khá hơn một chút: hạt giống mọc lên ngay vì đất không sâu, nhưng vì nắng gắt và thiếu rễ sâu nên bị cháy và chết khô; trường hợp thứ ba khá hơn nữa: hạt giống nẩy mầm, mọc thành cây, nhưng vì sống ở giữa bụi gai, gai cũng lớn lên và mạnh hơn nên làm cây chết ghẹt.
Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta hiểu hiện tượng thiên nhiên này ở bình diện thiêng liêng:
Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. (c. 19-22)
Chúng ta hãy nhìn vào bản thân mình, vào cuộc đời mình, và tự hỏi: đâu là số phận của hạt giống Lời Chúa? Và tuy hạt giống Lời Chúa vẫn chưa sinh hoa kết quả dồi dào, nhưng chắc chắn, cũng có những tiến bộ nào đó. Và chúng ta cũng tự hỏi: Đâu là “những chim chóc, nắng gắt, vấn đề thiếu gốc rễ và gai góc” ở nơi bản thân chúng ta, đã làm cho hạt giống không sinh hoa kết quả?
Dụ ngôn Người Gieo Giống chất vấn chúng ta, nhưng cũng mang lại cho chúng ta bình an và hi vọng. Bởi vì, trái với kinh nghiệm sống, Người Gieo Giống trong dụ ngôn của Đức Giê-su, có thể nói, gieo hạt giống quí báu của mình cách  quảng đại, gieo không phân biệt, không xét đoán. Và Lời Chúa vẫn được gieo quảng đại vào lòng chúng ta như thế hàng ngày trong Thánh Lễ.
Lời Chúa được gieo cách quảng đại vào lòng chúng ta, bởi vì Chúa tin rằng, dù sao đi chăng nữa, trong lòng chúng ta chắc chắn có phần đất tốt, hơn nữa, tự bản chất chúng ta là đất tốt, vì chúng ta được dựng nên bởi Lời Chúa và theo hình ảnh Thiên Chúa; và Chúa hi vọng rằng, có một ngày đẹp trời nào đó, Lời của Ngài sẽ rơi vào phần đất tốt này, rồi mọc lên và lớn mạnh, và sinh hoa kết quả gấp trăm, gấp sáu mươi, gấp ba mươi, nghĩa là bội thu và nhiều đến độ có thể bù lại tất cả những hạt đã mất, xét cho cùng không đáng bao nhiêu! Và đó là điểm tới tất yếu của Nước Trời.
3. “Kẻ nghe Lời và hiểu”
Trong lời giải thích của Người, Đức Giê-su đặc biệt nói hoa trái của việc hiểu Lời Chúa, và nhờ đó, hiểu biết và yêu mến chính Chúa:
Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (c. 23)
Có những loại hiểu biết không dẫn đến lòng mến. (1) Bởi vì, thực ra đó chỉ là những cái biết thuộc bình diện “thời sự”, chứ không hiểu được cách Chúa hiện diện, hành động và dẫn đưa tới hoàn tất; đó là cái biết của hai môn đệ trên đường Emmau. (2) Hoặc bởi vì, sự hiểu biết này chỉ là kiến thức, tài liệu, những lý thuyết khách quan về ngôi vị, thay vì là sự hiểu biết đến từ chính kinh nghiệm gặp gỡ và lắng nghe trực tiếp ngôi vị (giống như đọc sách về trái xoài và kinh nghiệm ăn trái xoài). (3) Hoặc bởi vì, đó là sự hiểu biết phê bình, lệch lạc và nông cạn, khởi đi từ sự nghi ngờ, dò xét, thiếu tin tưởng.
Yêu mến mà không có hiểu biết sâu xa, thì đó mới chỉ là một chuyển động nội tâm cùng với những cảm xúc; như chúng ta có kinh nghiệm, cảm xúc, dù quan trọng và đáng trân trọng, nhưng không bền vững và nhất là không thể thông truyền cách trực tiếp. Chính vì thế, phương pháp cầu nguyện với Lời Chúa theo sư phạm Linh Thao của thánh I-nha-xiô luôn nhấn mạnh đển nỗ lực hiểu, như chính Đức Giê-su đã luôn nhấn mạnh: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt 13, 23).
Nhưng hiểu ở đây không chỉ là kiến thức hay lí luận, nhưng là nỗ lực của con người trọn vẹn, để đụng chạm được Ngôi Lời, và để cho Ngôi Lời đụng chạm được chúng ta ở chiều sâu, ngang qua việc tìm ra những kết nối (com-prendre, động từ hiểu trong Tiếng Pháp) và khám phá ra những điều dấu ấn (to under-stand, động từ hiểu trong Tiếng Anh) liên quan đến kế hoạch cứu độ và đến chính khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa. Đó là sự hiểu biết mang lại cho chúng ta ơn “an ủi thiêng liêng”, vốn đã làm cho con tim của hai môn đệ trên đường Emmau bừng cháy (x. Lc 24, 13-35).
Chúng ta hãy xin Chúa dùng tình yêu của thánh Phaolô dành cho Chúa để làm bùng cháy lòng khao khát hiểu biết và yêu mến Chúa của chúng ta.
Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. (Pl 3, 7-9)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Mới hơn Cũ hơn

*