Sports

header ads
Kho báu trổi vượt của nước Thiên Chúa – SN Chúa Nhật XVII TN, Năm A
Mt 13,44-52
44 “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.45 “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.47 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính,50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.51 “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không? ” Họ đáp: “Thưa hiểu.”52 Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”
Suy niệm:
Bạn quý trọng điều gì nhất và làm thế nào bạn gìn giữ nó không bị thất thoát hay bị đánh cắp? Đối với những người nông dân, nơi an toàn nhất thường là ruộng đất. Người trong dụ ngôn (Mt 13,44) “đi trong hân hoan” bán hết mọi sự. Tại sao? Thưa, bởi vì ông đã tìm được một kho báu giá trị hơn tất cả những gì ông đang có. Tuy nhiên, ông đã không có đủ tiền để mua kho báu đó. Nhưng ông lại có đủ tiền để mua miếng đất đó. Trong cùng một cách thức tương tự, Thiên Chúa ban tặng nước Trời như kho báu vô giá với một giá chúng ta có thể trả được! Chúng ta không thể trả hết toàn phần cho cuộc sống mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Nhưng khi chúng ta đổi cuộc sống của mình với cuộc sống Thiên Chúa ban tặng, chúng ta nhận được một kho báu không thể nào so sánh.
Đạt được kho báu quý nhất có thể
Viên ngọc quý cũng cho chúng ta một bài học tương tự. Ngọc đối với những người xưa là biểu tượng của một vật có giá trị vô cùng. Đức Giêsu lên tiếng cảnh báo rằng người ta không được quăng ngọc trước mặt đàn heo (Mt 7,6). Tại sao người lái buôn bán hết mọi sự vì một viên ngọc vô giá? Rõ ràng bởi vì ông bị viên ngọc thu hút, mà ông tin rằng nó có giá trị hơn tất cả những gì ông đang có. Khám phá ra được nước Trời là giống như bị vấp vào kho tàng ẩn dấu, hay tìm được viên ngọc quý.
Khi chúng ta tìm được nước Trời, chúng ta nhận được kho báu quý nhất trên đời. Đó chính là Thiên Chúa. Bán đi tất cả những gì chúng ta có để được kho báu không thể sánh ví này mang nhiều thứ: bạn bè, công việc, “lối sống”, những gì chúng ta làm lúc rảnh rỗi. Kho báu có một mối liên kết đặc biệt với tâm hồn, nơi chốn của mọi ước muốn, mọi ý định và chú tâm. Điều gì mà lòng trí chúng ta hướng về nhiều nhất, chính là kho báu cao quý nhất. Trong dụ ngôn này, kho báu đề cập tới là điều gì? Nhìn chung, chắc hẳn đó chính là nước Chúa. Nhưng trong khía cạnh đặc biệt, chính Thiên Chúa mới là kho báu chúng ta tìm kiếm. Nếu Đấng Toàn Năng là vàng là bạc của bạn, bấy giờ Đấng Toàn Năng sẽ là nguồn hoan lạc của bạn (G 22,25-26). Có phải Chúa là kho báu và niềm vui của lòng bạn không?
TC lôi kéo chúng ta vào nước Người
Câu chuyện về kéo lưới và bắt được một mẻ cá lớn nói với chúng ta điều gì về nước Thiên Chúa? Trong thời Chúa Giêsu, hai cách bắt cá phổ thông nhất là dùng chài quăng từ trên bờ và lưới kéo hay lưới rà, từ trên thuyền thả hay ném xuống nước. Khi con thuyền di chuyển trên nước và lưới được kéo theo hình nón, sẽ bắt hết mọi thứ cá, kể cả những thứ nổi trên nước hay chìm dưới nước trong khi kéo. Thông thường phải có vài người đàn ông kéo một cái lưới như thế vào bờ.
Quan điểm của Đức Giêsu ở đây là gì? Giống như mẻ lưới cá bắt mọi thứ cá trong biển, cũng vậy, Giáo hội hành động như khí cụ của Thiên Chúa cho việc quy tụ tất cả mọi người đến với nhau. Cũng như mẻ cá không hay không thể phân biệt, thì Giáo hội cũng không phân biệt giữa người tốt và người xấu, người vô dụng và người có ích. Nước Thiên Chúa mở ra cho tất cả mọi người biết đón nhận và tin tưởng. Nhưng sẽ có lúc đến thời gian phân tách, vào thời kết thúc thời gian, khi các thiên thần sẽ đưa người tốt và người xấu đến những nơi dành sẵn cho họ. Bổn phận của chúng ta là đến tập trung với tất cả mọi người. Vào thời sau hết, Thiên Chúa sẽ ban cho người tốt và người xấu phần thưởng mà họ xứng đáng. Thiên Chúa ban kho báu Thiên đàng cho tất cả những ai tin tưởng. Bạn có đói khát Thiên Chúa và vương quốc công chính, bình an, và hoan lạc của Người không?
Rèn luyện cho vương quốc của Thiên Chúa
Khi Đức Giêsu kết thúc nói về các dụ ngôn, Người quay lại các môn đệ và hỏi họ “Anh em có hiểu những điều này không?” (Mt 13,52). Đức Giêsu hỏi chúng ta cùng câu hỏi đó. Nếu chúng ta muốn hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của các dụ ngôn cho đời sống hằng ngày của mình, thì chúng ta phải suy niệm qua những gì Chúa đang nói với chúng ta qua sự hướng dẫn của Người. Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn và Thầy dạy sẽ giúp chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết lời Chúa trong Kinh thánh.
Sự quan trọng của việc sẵn sàng và học hỏi lời Chúa
Quan điểm dụ ngôn của Đức Giêsu về “người kinh sư đã học hỏi về nước trời là gì” (Mt 13,52)? Các kinh sư đặc biệt dành trọn việc nghiên cứu và thực hành về lời Chúa đã trao phó cho Môisen (5 quyển sách đầu của Kinh thánh- ngũ thư) và trong việc hướng dẫn người khác làm thế nào để sống phù hợp với nó. Trong Cựu ước, Ezra được gọi là “kinh sư có khuynh hướng về lề luật của Thiên Chúa trên trời” (Sách Ezra 7,6.21). Ông có danh hiệu này bởi vì ông “đã dọn lòng để tìm kiếm lề luật của Đức Chúa và thực hiện nó và giảng dạy trong các đạo luật và phán quyết của dân Israel” (Ezra 7,10). Tâm hồn của Ezra đã hướng về nước trời bởi vì ông đã tôn kính lời Chúa và ông giảng dạy cho người khác ngang qua gương mẫu và sự hướng dẫn để yêu mến và vâng phục lời Chúa.
Kho báu cũ và mới của lời Chúa
Tại sao Đức Giêsu so sánh người “kinh sư đã được học hỏi” với “người chủ nhà, người tận dụng trong kho tàng của mình những gì mới và cũ” (Mt 13,52)? Một số người thích tích luỹ những sở hữu cũ quý giá cùng với những chiến lợi phẩm mới đã đạt được. Những người khác thì nóng lòng muốn vứt bỏ cái cũ để dành chỗ cho cái mới. Thế thì tại sao Đức Giêsu xem ra nhấn mạnh đến việc giữ cái cũ lẫn cái mới? Tại sao lại không thay thế cái cũ, đặc biệt nếu cái mới xem ra tốt đẹp hơn hay hữu ích hơn? Chẳng phải người ta muốn vứt bỏ đôi giày cũ và thay thế bằng đôi giày mới – đặc biệt nếu đôi giày cũ trở thành sờn rách hay bung ra không thể sửa được đó sao? Thế nhưng, ai lại có suy nghĩ sẽ vứt bỏ viên ngọc quý giá hay những đồng tiền vàng cỗ đơn giản bởi vì chúng cũ xưa và có thể bẩn thỉu một chút? Những viên ngọc quý và vàng không mất đi giá trị của nó với thời gian!
Cũng giống như sự chọn lựa rượu nho vì chúng có giá trị hơn. Dụ ngôn của Đức Giêsu về “cái cũ” và “cái mới” chắc hẳn nhắm tới “các giao ước cũ hơn” mà Thiên Chúa đã lập với dân giao ước của Người vào thời Cựu ước, bắt đầu từ Abraham, Isaac, Giacóp, với Môisen trên núi Sinai, với vua Đavít, vị tiền thân của Đấng Mêsia (Tv 89,3 và 110,1). Dụ ngôn của Đức Giêsu cũng nhắm tới “giao ước mới” mà Người đã đến để thiết lập ngang qua việc đổ máu mình ra trên thập giá và việc ban phát Thánh Thần của Người, Đấng đóng ấn giao ước mới vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đức Giêsu đã không đến để bác bỏ Giao ước Cũ nhưng để hoàn thành nó. Đức Chúa kêu gọi chúng ta quý trọng tất cả lời Người – tất cả các điều răn, các lời hứa, các lề luật, và giáo huấn của Người (Tv 119,14.72.127.162). Bạn có hứa tuân giữ tất cả các điều răn của Thiên Chúa không? Đức Chúa ban sức mạnh, phúc lành, và niềm vui cho những ai quý trọng tất cả lời Người.
Ngày nay, chúng ta sẽ bị nghèo nàn nếu chúng ta chỉ độc chiếm những kho tàng của lời Chúa trong Kinh thánh “Cựu ước” hay nếu chúng ta chỉ biết những kho tàng của Kinh thánh “Tân ước”. Cả hai Kinh thánh Cựu ước và Tân ước được mặc khải bởi cùng Chúa Cha hằng hữu, được tác động bởi cùng Thánh Thần, và được hoàn thành bởi cùng Ngôi Lời hằng hữu, Chúa Giêsu Kitô, Đấng ở cùng Chúa Cha từ nguyên thuỷ và là Đấng từ trời sai tới để mặc lấy xác phàm hầu cứu độ chúng ta (Ga 1,1-3.14).
Sự thống nhất của Cựu và Tân ước
Có sự kết hợp chặt chẽ giữa Cựu ước và Tân ước. Cả hai đều được linh hứng cách tuyệt diệu bởi cùng một Thần Khí (2 Tim 3,16). Cựu ước chuẩn bị cho Tân ước và Tân ước hoàn thành Cựu ước – cả hai chiếu sáng cho nhau. Cựu ước chuẩn bị con đường cho việc Đức Giêsu Kitô đến với tư cách là Đấng cứu chuộc của mọi người, những người sẽ được cứu độ ngang qua hy tế của Người trên thập giá. Tân ước ẩn giấu trong Cựu ước và Cựu ước được bộc lộ trong Tân ước. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu đã giải thích Kinh thánh Cựu ước cho các môn đệ và giải thích làm thế nào Người đến để hoàn tất những gì được hứa hẹn và tiên báo trong Cựu ước (Lc 24,27). Đó là lý do tại sao chúng ta đọc Cựu ước trong ánh sáng của sự chết và phục sinh của Đức Kitô. Bạn có tôn kính lời Chúa trong Kinh thánh – cả hai Cựu ước và Tân ước – và nhận ra sự hoàn thành của chúng trong Chúa Giêsu Kitô không?          
Lạy Chúa Giêsu, chớ gì lời Chúa ăn rễ sâu trong lòng con và biến đổi cách thức suy nghĩ, nhận thức, và hành động của con. Xin Thần Khí Chúa mở tai con để lắng nghe và hiểu biết lời Chúa trong Kinh thánh để con có thể tôn kính và quý trọng cả hai Cựu ước lẫn Tân ước mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho tất cả những ai ao ước tiến vào vương quốc công chính, bình an, và vui sướng của Người. Xin giúp con trở nên người môn sinh chăm chỉ và trở nên người môn đệ trung thành với lời Chúa.
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Mới hơn Cũ hơn

*